"Bất cứ người nào đốt pháo trái phép đều sẽ bị tạm giữ để điều tra, đốt pháo trong ngày mùng 1 Tết thì tạm giữ cả ngày mùng 1, thậm chí tạm giữ tại cơ quan CA đến hết Tết, nếu đủ dấu hiệu sẽ xử lý hình sự".
Đốt pháo cũng sẽ bị bắt, ngay trong mùng 1 Tết. Ảnh: VTV |
Đó là khẳng định của Thượng tướng Lê Thế Tiệm - Thứ trưởng Bộ CA - tại cuộc họp khẩn cấp chiều 24/1 với Tổng cục Cảnh sát để bàn biện pháp xử lý triệt để tình trạng buôn bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép các loại pháo.
Báo Lao động ngày 25/1 còn dẫn lời Trung tướng Phạm Văn Đức - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát yêu cầu Công an khu vực phải "bắt giữ ngay" đối tượng có hành vi đốt pháo.
Thượng tướng Lê Thế Tiệm cũng chỉ đạo Tổng cục Cảnh sát cắt cử hai toán quân đặc biệt của lực lượng cảnh sát cơ động lên nằm vùng tại hai địa bàn nóng bỏng về buôn bán pháo là tỉnh Quảng Ninh và Lạng Sơn.
Liên quan đến vấn đề này, ngày 13/11/2007, Thủ tướng Chính phủ ra Công điện số 1721/CĐ-TTg về tăng cường quản lý, kiểm tra, kiểm soát để ngăn chặn việc sản xuất, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ và sử dụng pháo trái phép.
Ngày 13/1/2008, Thủ tướng tiếp tục ra công điện nêu rõ: Địa phương nào để xảy ra việc sử dụng trái phép pháo hoặc không kiên quyết ngăn chặn, xử lý nghiêm các hoạt động sản xuất, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép pháo các loại thì Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố đó phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng.
Liền sau công điện của Thủ tướng, ngày 18 và 23/1, 2 thành phố Hà Nội và Đà Nắng cũng lần lượt ra văn bản yêu cầu Chủ tịch UBND các quận, huyện chịu trách nhiệm nếu để xảy ra các hoạt động sản xuất, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ và sử dụng pháo nổ trái phép trên địa bàn.
Trong khi đó, thời gian gần đây, các cơ quan chức năng đã liên tục bắt giữ nhiều vụ buôn bán, vận chuyển, tàng trữ các loại pháo, đặc biệt là tại Quảng Ninh và Lạng Sơn. Riêng tại Quảng Ninh, tính riêng trong tháng 1/2008, đã ghi nhận 6 vụ bắt giữ pháo lậu với khối lượng khoảng 7 tấn.