Cận Tết, sinh viên ở Huế có những tâm trạng khác nhau. Sinh viên năm cuối muốn nhanh thanh toán "nợ nần". Sinh viên năm thứ nhất thì muốn về "vì nhớ bố mẹ lắm rồi". Tất cả họ có chung một điểm là "chạy đua với Tết".
Chạy ... nợ
Ngồi trong giảng đường, nhưng suy nghĩ về cách... chạy nợ. Ảnh: Hoàng Táo. |
"Rình nợ", đó là công việc chính của Q trong những ngày này, chỉ có như vậy mới mong lấy được tiền để về quê. "Chỉ cần nghe hắn (tức người mượn tiền) đang cầm tiền trong tay là mình tấn công ngay. Nếu không lấy được tiền thì mình đành phải qua người quen ở bờ bắc mượn tiền để về quê, còn lại tính sau", Q nói.
Ngược lại, đối với những sinh viên nào đã lỡ vay nợ rồi thì phải lo chạy vạy để thoát khỏi "tình trạng túng bấn". Đ C Tr (sinh viên năm tư Trường ĐH KH Huế) đã phải cầm cố gần hết gia sản (case máy tính, máy ảnh, giấy tờ xe) của mình để trang trải nợ nần nhưng vẫn chưa đủ.
Tr được bạn bè trong lớp mệnh danh là người tài giỏi trong việc "xoay vòng nợ nhanh". Ngoài việc ra hiệu cầm đồ, Tr còn tích cực gọi điện về nhà "khủng bố" tinh thần của gia đình để nhanh chóng nhận được tiền nhà, trả nợ và về quê.
H T L, đồng cảnh ngộ với Tr nhưng "tổng số dư nợ" lớn hơn Tr rất nhiều. H T L đang tìm cách để "nhổ" con Sirius ra khỏi tiệm. Nó đã được "nằm nghỉ" gần cả hai tháng rồi. "Giờ lấy được con xe ra là cả một chiến tích đối với mình." - H T L bộc bạch.
Chạy... việc
Dù thi học kỳ chưa xong nhưng Tr H - năm tư, Đại học Sư phạm Huế (ĐHSP) đã chạy đôn chạy đáo khắp nơi tìm việc làm thêm trong những ngày giáp Tết. "Mình vừa có tiền tiêu Tết, lại vừa có tiền xe về nhà, phụ cho bố mẹ chút nào hay chút ấy".
Còn với H L (ĐHKH Huế) chọn việc đi bỏ sim điện thoại đã kích hoạt cho các đại lý rồi ăn hoa hồng. HL cho biết: "Những sim điện thoại này được lấy từ Đà Nẵng, bán với giá 68 nghìn, mình được 10%".
"Phục vụ cà phê không được ưa chuộng lắm, vì mất nhiều thời gian mà tiền công không cao. Một ca từ 6h sáng đến 11h trưa mình được trả 15 nghìn. Làm đến gần Tết mình sẽ xin nghỉ về quê. Như vậy, Tết mình có được 2-3 trăm nghìn." - L Q (ĐH Sư phạm Huế) tâm sự.
Tết là cơ hội kinh doanh cho rất nhiều "cái đầu" sinh viên vốn nghèo về kinh tế nhưng không nghèo ý tưởng. Một nhóm sinh viên khéo tay Trường Đại học Nghệ thuật Huế đã chọn làm đồ lưu niệm bằng tay, hoa giấy... rồi đi bỏ mối cho các đại lý. H Q, một thành viên trong nhóm cho biết: "Đồ lưu niệm thủ công vừa độc đáo, vửa rẻ nên khá nhiều người yêu thích. Nguồn vốn để kinh doanh cũng không cần nhiều".
Nhiều nhóm sinh viên có hộ khẩu ở thành phố Huế thì có kế hoạch dài hơi, hùn vốn với nhau kinh doanh hoa trong ngày Tết và xa hơn là ngày lễ Valentine.
"Cao cấp" hơn thì như B D và L C học ngành Khoa học xã hội (ĐHKH Huế) chọn việc viết báo. BD cho biết: "Thời điểm Tết là thời điểm mà tất cả các báo đều cần bài. Chỉ cần tích cực tìm kiếm đề tài và công sức ra viết là đến Tết tha hồ nhuận bút". B D vừa có một bài viết ngắn trên Tuổi Trẻ về vấn đề "xe đồng hương" phục vụ sinh viên trong dịp Tết.
Và 1.001 cái chạy khác
Biết chọn bộ nào cho em ở quê đây? Ảnh: Hoàng Táo |
Vừa phải chạy đua với lịch học vừa lo có vé xe về Tết là nỗi lo thường trực của các sinh viên ở xa. V.K, quê ở tận Thanh Hóa phải chuẩn bị tiền mua vé từ trước Tết gần tháng trời. V K cho biết. "Vé về quê mình (Thanh Hóa) hiện khoảng trên dưới một trăm, nhưng sau ngày 21 âm lịch, tiền vé sẽ tăng lên 30-50 nghìn tùy từng nơi bán". Nhiều sinh viên phải "chuồn" sớm để về quê cho kịp với sự tăng giá vé, "nếu không sẽ không đủ tiền để về Tết".
Trong các nỗi lo, thì lo học và thi cử luôn là nỗi lo thường trực của sinh viên. Tr X Th, năm thứ ba Trường Đại học Kinh tế Huế còn hai môn thi nữa mới kết thúc học kỳ. "Dù vẫn còn rất lâu mới đến Tết, nhưng thấy bạn bè chuẩn bị cho Tết mình cũng sốt ruột. Còn hai môn nữa, cố gắng thi cho xong để ăn Tết cho ngon".
Ngược lại, những sinh viên năm thứ hai Trường ĐHKH phải ra Tết mới thi kết thúc học kỳ II. D Q, người Đà Nẵng cho biết: "Em phải tranh thủ học ôn, chứ không sợ về Tết lại ham chơi quên học, ra Tết thi học kỳ toàn "bánh chưng", "bánh tét" không thì khổ".
Dù còn nửa tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán nhưng rất nhiều sinh viên ở Huế đã rậm rịch chuẩn bị cho Tết. Mỗi sinh viên một tâm trạng, lo lắng khác nhau. Xin kết thúc bài viết bằng lời tâm sự của bạn Tr H ở trên: "Một cái Tết nữa lại về, mình lại thấy thương bố mẹ hơn. Cả gia đình lam lũ nuôi mình ăn học".