Kéo dài suốt hơn 20 ngày cuối của tháng Chạp năm Đinh Hợi, 3 đợt lạnh liên tục đổ về khiến cho thời tiết toàn miền Bắc giá lạnh có nhiều nơi đã xuống dưới 10oC. Trong khi người dân đang khấp khởi mừng thầm sẽ có một cái Tết Nguyên đán lạnh vừa ý thì người trồng đào lại khóc dở, mếu dở.
Cắt lá, tỉa hoa cho đợt hoa thứ hai vào Tết. |
Tôi đến Nhật Tân (Hà Nội) lúc gần trưa nhưng tại một số vườn vẫn còn thắp đèn để sưởi ấm cho đào. Mùi thuốc kích thích và thuốc trừ sâu để thúc đào, giữ quất bao bọc khắp làng. Năm nay, đào Nhật Tân mới chính thức đăng ký bản quyền thương hiệu, người trồng đang khấp khởi mừng thầm sẽ được giá, không bị đào nơi khác "nhái" nữa thì sự biến đổi liên tục và bất thường của thời tiết lại khiến họ lo lắng khôn nguôi.
Chị Oanh - một người trồng đào lâu năm ở đây-cho biết: "Nhiều người cho rằng rét thế này chắc năm nay đào được mùa nhưng thực ra không hẳn vậy. Thường thì đào nở sớm hay muộn, có nở hay không phụ thuộc rất nhiều vào chủ vườn chăm sóc, phun thuốc, tuốt lá ra sao. Nhưng để những việc ấy có hiệu quả, chúng tôi phải nắm được thời tiết. Nếu thời tiết bất thường thì chịu thua, không tính được".
Cũng theo chị Oanh, năm nay thời tiết ấm nóng kéo dài, đến tận hết tháng Một, sang tháng Chạp mới bắt đầu lạnh thì lại là những đợt rét đậm, rét hại kéo dài. Một số nhà dựa theo kinh nghiệm, đoán mùa đông năm nay sẽ rét đậm, nên tuốt lá, phun thuốc kích thích sớm trước Tết khoảng 60 ngày, thì đợt ấm nóng tháng Một đã làm đào nở hết, bắt đầu rụng cánh. Tết này biết bán cho ai, biết cho ai thuê những cây đào không còn hoa!
Một tình cảnh khác của người trồng đào là nắm bắt tiết trời ấm, đến gần Tết mới lạnh thì hãm lại, chỉ tuốt lá trước 30 ngày, nay nhiệt độ xuống thấp, có sương, lộc không nhú ra được, chắc phải ra Giêng mới có hoa, dù là đợt hoa đầu (đào thường có hai đợt hoa, đợt hoa thứ hai mới là đẹp nhất). Người trồng cũng chỉ còn biết trách ông Trời!
Đến vườn đào nhà anh Dũng lúc anh đang cắt nụ, bẻ lộc cho đào, tôi được anh cho biết: "Thực ra cũng có một số vườn đào như nhà tôi, nghĩa là may mắn sẽ có cây đào đẹp, hoa đợt hai vào đúng dịp Tết, nhờ trời rét nên hoa đậm màu hơn. Bây giờ tôi đang loại hết hoa đợt 1 để cho đợt hoa thứ hai kịp ra. Nhưng trời lạnh thế này thì phải thúc đào, nếu không sẽ không có hoa. Để thúc đào, việc đầu tiên là xới gốc, làm cỏ. Sau đó, tưới nước ấm ít một liên tục dưới gốc; phun thuốc lên tán, cành, kích thích chồi, nụ; bón thúc bằng phân ủ đặc cho ấm gốc, thắm hoa. Những cây đã ra nụ đều và to, bón thêm phân kali để hoa trụ bền trên cành... Sau đó, bó cành gọn đều, che bạt chắn sương và chờ người đến lấy".
Vườn đào của anh, hơn 200 gốc đã được thuê hết (nhiều năm nay anh chỉ cho thuê chứ không bán). Những cây đào thế long đẹp nhất của anh, có cây được thuê với giá 10 triệu đồng, những cây nhỏ và kém đẹp hơn là khoảng 3-4 triệu đồng; thế thông, dáng tròn có giá trung bình 1-2 triệu đồng/cây....
Thế nhưng, những gia đình may mắn như nhà anh Dũng không nhiều, thậm chí có nhiều nhà gần như mất trắng. Vào Nhật Tân, đi dọc đường, tôi ngạc nhiên thấy những cành đào bị chặt ngổn ngang, phơi đầy vệ đường để làm củi, dù chưa đến Tết. Anh Thành - một chủ vườn-cho biết: "Nhà tôi biết chắc đào chẳng kịp cho hoa vào Tết, nên chặt đi để còn kịp ươm chồi mới chuẩn bị cho Tết năm sau. Buồn lắm. Sương giá thế này, năm nay coi như nhiều nhà mất Tết".
Các làng trồng hoa truyền thống của Hà Nội như Ngọc Hà, Quảng Bá cũng đang cuống cuồng lo thời tiết. Hoa ở Hà Nội chủ yếu trồng ngoài ruộng, nên thời tiết tác động rất rõ, chăm sóc rất khó. Trên nhiều ruộng hoa ở Tây Tựu, Quảng Bá... nhiều loại hoa đã héo búp, thâm chồi, chất lượng kém hơn; nhiều loại chậm phát triển, dù chỉ hơn chục ngày nữa là Tết nhưng chưa hé nụ dù chủ vườn đã cố công chăm sóc.
Chị Vân (người gốc Ngọc Hà, chuyên trồng hoa bán Tết) kể: "Hơn tuần nay tôi và nhà tôi làm lều thay nhau ngủ luôn ngoài ruộng. Thắp đèn, che bạt mà vẫn phấp phỏng. Hoa trồng bán Tết chăm sóc rất kỳ công, tốn kém, nếu thời tiết cứ giá buốt thế này thì có khi lỗ mất. Chỉ mong trời ấm hơn một chút, rét vừa vừa thì hoa sẽ đẹp và bền".
Chị Trần Thị Dương ở xã Nam Điền, Nam Trực, Nam Định - một chủ hoa lớn - trả lời điện thoại của tôi: "Trời lạnh, một số giống hoa gốc xứ lạnh như hồng thì đẹp hơn dù giữ gìn cầu kỳ hơn, phải che từng luống để tránh sương làm "vỡ" cánh. Nhưng các giống khác như dơn, thược dược, cúc... thì bị hỏng nụ rất nhiều. Nếu trời không ấm hơn một chút thì chắc Tết năm nay hoa sẽ lên giá".
Trong khi đào, hoa đang phấp phỏng ngóng thời tiết, lo hỏng vụ Tết thì tại các vườn quất lại tấp nập người đặt mua. Trời rét đậm khiến quất có được độ bền lâu hơn, ít bị rụng quả, lá xanh và thậm chí trên nhiều cây còn điểm vài bông hoa trắng rất đẹp mắt, lại đúng quan niệm dân gian: cây đẹp phải đủ hoa, lá, lộc, quả xanh, quả chín. Trong khi đó, chăm sóc quất khá đơn giản, ít vất vả hơn nhiều so với chăm sóc đào, hoa và thường ít khi bị mất mùa.
Người trồng đào mất một năm chăm sóc, coi trồng, ba tháng cuối năm gần như ăn ở với đào nhưng sự "được", "mất" của đào lại không hoàn toàn nằm trong tay họ. Chắc hẳn, người trồng hoa trong cả nước đều mong ngành khí tượng, thủy văn có những dự báo thời tiết dài hạn hơn. Hy vọng sang năm, đào Nhật Tân sẽ rực rỡ ở tất cả mọi vườn, mọi nhà, để người trồng đào không còn phải nhìn nhau trong tình cảnh "kẻ cười, người khóc".