Cả ba mạng di động MobiFone, Vinaphone và Viettel đều bị nghẽn mạng, dù còn tới nửa tháng nữa mới là Tết. Vẫn quảng cáo rằng mạng lưới đang hoạt động tốt hơn bao giờ hết, nhưng các nhà cung cấp dịch vụ cũng phải thừa nhận hiện tượng nghẽn mạng đã thành quy luật.
Chị Hương, chủ nhân số thuê bao 091386xxxx của VinaPhone cho hay mấy ngày nay vào các thời điểm 9h-12h sáng và 16h-19h chiều chị rất khó thực hiện các cuộc gọi tới các thuê bao khác. Mạng liên tục báo lỗi, cuộc gọi nào kết nối được thì chập chờn và bị ngắt quãng giữa chừng. "Tại thời điểm này, tôi không thể gửi được tin nhắn, thậm chí, có tin nhắn máy báo thành công nhưng mãi sáng hôm sau hệ thống báo lỗi không chuyển đi được", chị Hương kể.
Trạm thu phát sóng mọc lên khắp nơi. Ảnh: Hoàng Hà. |
Vì lý do công việc nên Hương đặt dịch vụ báo cuộc gọi lỡ, phòng khi mạng chập chờn, hay ngoài vùng phủ sóng thì chị vẫn biết được ai gọi đến. Tiện ích này lại trở thành nỗi phiền muộn khi ngày nào chị cũng nhận được cả chục tin nhắn thông báo những cuộc gọi lỡ. Cứ cái đà này thì đêm Giao thừa và những ngày Tết Nguyên đán tình trạng nghẽn mạch sẽ căng thẳng hơn", chị Hương nói.
Theo phản ánh của nhiều người, việc các tin nhắn đến chậm, các cuộc gọi không thực hiện được hoặc nhảy số là chuyện chẳng mấy xa lạ đối với mạng di động MobiFone, VinaPhone và cả Viettel trong thời gian gần đây. Anh Vinh chủ nhân số thuê bao 0903406xxx kể tuần trước, anh nhận được tin nhắn từ đồng nghiệp. Trong khi đó, anh bạn đồng nghiệp này lại đang công tác tại nước ngoài. "Mãi sau tôi mới biết đồng nghiệp tôi nhắn tin từ trước khi đi công tác nhưng do mạng trục trặc nên tin nhắn đến chậm mất 2 ngày", anh Vinh nói.
Các nhà cung cấp thừa nhận đây là lỗi xảy ra trong quá trình nâng cấp tổng đài và tại giờ cao điểm khi lưu lượng tăng quá cao, nhưng nói thêm rằng hiện tượng này chỉ xảy ra tại những khu vui chơi giải trí, khu trung tâm...
Ông Hồ Công Việt, Trưởng phòng kinh doanh VinaPhone cho hay hiện tượng nghẽn mạch cục bộ tại một số khu vực thành phố lớn đã thành quy luật hằng năm, đặc biệt là Hà Nội và TP HCM. Theo ông Việt, khoảng 2 tuần trước Tết, có một lượng người lớn đổ về thành phố để mua sắm hoặc chúc Tết. Sau đó, dòng người này lại di chuyển về các vùng quê. "Tại những khu vực tập trung đông người, lưu lượng cuộc gọi tăng đột biến sẽ không tránh khỏi hiện tượng nghẽn mạch cục bộ. Tuy nhiên, xét về tổng thể thì chất lượng mạng lưới đang hoạt động rất tốt sau một năm đầu tư và nâng cấp hệ thống", ông Việt nói.
Giám đốc Công ty Thông tin Di động VMS - MobiFone Lê Ngọc Minh cũng thừa nhận tại một số điểm hiện tượng nghẽn cục bộ vẫn xảy ra khi có quá nhiều người tập trung và thực hiện cuộc gọi cùng một lúc. "Tại thời điểm hiện tại, năng lực mạng lưới của chúng tôi đủ đáp ứng nhu cầu liên lạc. Tuy nhiên, tại thời đêm Giao thừa, lưu lượng cuộc gọi tăng đột biến, chúng tôi không dám đảm bảo rằng không có hiện tượng nghẽn mạch cục bộ", ông Minh nói.
Thời điểm này chưa phải là Giao thừa, và nghẽn mạng vẫn xảy ra dù MobiFone vừa tăng 20% dung lượng mạng và nâng cấp thêm hệ thống tin nhắn (SMS). MobiFone nói rằng mạng của họ có thể đáp ứng cho trên 14 triệu thuê bao.
Ông Minh khuyến cáo khách hàng, trong những ngày này, nếu thấy hiện tượng các cuộc gọi không thực hiện được thì hãy kiên nhẫn chờ vài phút sau thì gọi lại. Nếu cứ cố gọi tiếp thì tình trạng nghẽn mạch sẽ tiếp tục tăng cao.
Dù tự hào là nhà khai thác có hệ thống mạng lưới rộng khắp trong cả nước với số trạm BTS lên tới con số trên 7.000 song Viettel cũng thừa nhận khó tránh khỏi hiện tượng nghẽn mạch cục bộ tại một số giờ cao điểm, nhất là lúc Giao thừa. Hiện năng lực mạng Viettel đủ đáp ứng cho hơn 14 triệu thuê bao, còn hệ thống SMS có thể lưu thoát 21.000 tin nhắn một giây.
"Chúng tôi đang tiếp tục đầu tư, nâng cấp hệ thống để hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng nghẽn mạch, rớt sóng...", một quan chức Viettel khẳng định.