DỊCH VỤ CUNG CẤP QUÀ TẾT - GIAO HÀNG TẬN NƠI

Cung cấp tất cả các lọai thực phẩm, hàng tết, quà tết, giỏ quà tết, giỏ quà gói sẳn, bia, ruợu, nước giải khát... Vui lòng liên hệ Hotline để biết thêm chi tiết: 0979 77 83 77

Hằng năm, Tết là dịp để chúng ta bày tỏ tình cảm và lòng biết ơn của mình đến bạn bè, người thân, đối tác, hay nhân viên bằng những món quà thật ý nghĩa đã trở thành truyền thống của người Việt Nam. Tuy nhiên, công việc cuối năm luôn tất bật làm cho chúng ta không có thời gian để làm công việc thật ý nghĩa này.

Hiểu được điều đó, chúng tôi đã phát triển trang website www.quatet.vn cung cấp những giỏ quà Tết chất lượng phục vụ nhu cầu của quý khách hàng.

Bạn là doanh nhân muốn tặng quà cho đối tác hay nhân viên để tri ân những đóng góp của họ cho sự thành công của bạn. Hay bạn muốn tặng những món quà ý nghĩa cho người thân, bạn bè.

Hãy đến với www.quatet.vn

Chúng tôi chuyên cung cấp:

- Giỏ quà Tết gói sẵn.

- Rượu, bánh, kẹo, bia, nước ngọt,...

- Dịch vụ gói quà theo yêu cầu.

Mọi chi tiết xin liên hệ:

Trưng Bày và Bán Hàng tại Công ty TNHH Thương Mại Dịch Vụ Cậu Bé Vàng.

Địa chỉ: 158/7/39 Hoàng Hoa Thám, P12, Q. Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh. (Sơ Đồ)

Điện thoại: 08 6276 15 17

Hotline: 0979 77 83 77 - Ms Tâm

website: http://www.quatet.vn


CÙNG BẠN TƯNG BỪNG ĐÓN XUÂN!!!

Lên ngã ba biên giới ăn tết

Vượt hơn 700km đường vòng vèo hiểm trở, chúng tôi mới lên tới Tả Kố Khừ (Sín Thầu, Mường Nhé, Điện Biên) để ăn Tết cổ truyền - Có Nhẹ Chà với bà con Hà Nhì. Mùa nước cạn mà qua dòng Nậm Ma, Nậm Toong, Mo Phí... thi thoảng xe vẫn mắc phải đá ngầm, chết máy. Đi một lần để rồi nhớ mãi.

Đường lên Tây Bắc một mùa hoa

Đường lên cực Tây của Tổ quốc mùa này như con đường hoa vắt ngang những dãy núi trải ngút tầm mắt. Qua Mộc Châu, rừng mận hai bên đường đã bắt đầu e ấp bông trắng tinh, xa xa trông giống những bông tuyết đang phơi mình dưới cái nắng vừa bừng tỉnh khỏi lớp sương mù bao phủ buổi sớm. Dọc đường Sơn La lại rực đỏ một màu hoa trạng nguyên kéo về tận Tuần Giáo.

Nhà nhà mổ lợn ăn tết - Ảnh: Trang Hải
Nhà nhà mổ lợn ăn Tết - Ảnh: Trang Hải

Bước chân đến Điện Biên, chạy dài theo những con suối đang hiền hòa lách qua khe đá là một màu vàng tươi mát của những bụi cúc quỳ, bung lên đợt cuối đón Tết để rồi lụi tàn đợi đến mùa sau khoe sắc. Cát bụi từ tuyến đường đang sửa sang cũng không nỡ làm lu lờ vẻ đẹp của thiên nhiên trổ giữa núi rừng Tây Bắc đương vào xuân.

Sín Thầu còn cách Thành phố Điện Biên gần 250 km đường đèo núi. Mấy mươi năm trước, phương tiện duy nhất để vào đến Sín Thầu là đi bộ theo lối đường mòn, nhưng nay đã khác rồi. Muốn vào đến bản Tả Kố Khừ, A Pa Chải... chúng tôi đã phải thuê xe máy đi tiếp chặng đường mà ngày nắng thì bụi tung mù trời, ngày mưa đất quánh lại như hồ bám chặt bánh xe níu giữ chân người.

Chạy xe liên tục, mãi tối mịt mù ngày thứ hai chúng tôi mới đến nơi. Thử thách cuối cùng là phải cởi bỏ giày tất lội qua dòng Mo Phí lạnh buốt, dò chân trần lên những tảng đá ngầm rêu trơn trượt. Mấy thanh niên bản biết có người dưới xuôi lên thì hò nhau mang đèn pin ra suối soi đường cho cả đoàn vượt suối. Chiếc balô to tướng đến giữa dòng thì đứt dây, tuy đang mùa nước cạn nhưng vớt được lên thì nó đã kịp trôi xa đi chục mét.

Mấy năm trước, đường từ trung tâm huyện Mường Nhé lên Tả Kố Khừ chỉ là đường mòn. Người dân muốn ra huyện mua nhu yếu phẩm chỉ có cách đi bộ vượt rừng, lội suối cả năm chục cây số. Trẻ em muốn đi học phải sang tận Mường Tè mới có lớp. Chặng đường thử thách lòng can đảm và ham học này là 140 km đi bộ.

Tiếng gà gáy ba nước Việt - Trung - Lào nghe tiếng đánh thức bình minh Tả Kố Khừ. Mây sớm sà xuống như biển trắng một màu giữa thung xanh. Ở đây, nhà nào cũng trồng một vườn rau cải đủ các loại trước nhà: cải xanh, cải bắp, cải ngọt, củ cải... Và sương đêm còn chưa kịp tan trên những nụ ngồng cải đương mùa trổ bông vàng...

Mổ lợn, giã bánh và xòe dưới trăng

Đó là những nghi thức không thể thiếu trong mỗi dịp tết Có Nhẹ Chà của người Hà Nhì. Tết bắt đầu ngay sau vụ mùa, diễn ra trong ba ngày vào tháng 11 tính theo lịch mặt trăng (tức âm lịch) và nhất thiết phải chọn vào ngày Rồng.

Chú ỉn  đóng gông
Chú ỉn đóng gông
Khi mặt trời còn chưa ló rạng, tiếng eng éc đã râm ran khắp bản. Ngày Tết đầu tiên, bà con Hà Nhì sẽ mổ lợn. Chú ỉn to nhất, béo nhất đàn được nhốt lại từ hôm trước chỉ đợi giờ "hành quyết". Nhà có điều kiện thì thịt con 1-2 tạ, nhà ít điều kiện hơn cũng đun một nồi nước thật to để làm lông con nho nhỏ, còn không thì họ sang chung vui với hàng xóm. Trước khi đưa lên bàn mổ, mấy thanh niên trai tráng trong nhà xúm lại cùng hò dô nhấc chú ỉn lên cân. Làm thế để theo dõi và so sánh việc ăn tết của gia đình hàng năm.

Lợn trước khi mổ được "làm lý", tức là người phụ nữ sẽ pha nước với rượu, trộn gạo với muối để rắc vào mõm, tai... nó. Ông Sừng Sừng Khai (Chủ tịch xã Sín Thầu) giải thích: làm thế để lứa lợn năm sau sẽ ăn nhiều, ăn tốt hơn năm trước. Và "pín" lợn sẽ được gia chủ treo trước nhà để báo hiệu nhà đã mổ lợn ăn Tết.

Không khí tết náo nhiệt từ nhà trên xuống nhà dưới tới bếp. Mỗi người một việc cùng xắn tay chuẩn bị cho mâm cỗ tất niên. Đàn ông thì xẻ thịt, còn phụ nữ và trẻ em chế biến. Tất cả các món ăn đều làm từ thịt lợn: thịt luộc, thịt kho dưa, xúc xích, thịt đông... Phụ nữ Hà Nhì có thể chế biến hàng chục món ăn từ con lợn thịt trong ngày tết và phần lớn số này được đem gác bếp tích trữ ăn dần.

Ngày Tết đầu tiên ở nhà ông Pờ Dần Sinh (Bí thư xã Sín Thầu), đồn trưởng Trần Vũ Anh (quê Hà Tây) dẫn đoàn chiến sĩ ở đồn biên phòng 317 xuống chúc tết bà con. Cả chục mâm cỗ đầy ụ thịt, rượu được bày biện ra mừng tết và thiết khách quý. Tục chào mâm của người Hà Nhì là mỗi người phải uống đủ ba chén rượu, bắt tay ba cái thật chặt, ai không uống được sẽ chịu hình phạt là ăn một xâu thịt mỡ. Trong bữa ăn, nếu có "bề trên" (bậc từ anh trai chồng trở lên) thì phụ nữ trong gia đình sẽ phải ngồi ăn riêng.

Khắp bản ngày tết rượu tràn như dòng Mo Phí mùa nước. Bà con tưng bừng qua nhà nhau chúc tết, nhà nào cũng sẵn một bàn cỗ ăm ắp thức ăn, các món làm từ thịt lợn và các loại rau cải luộc. Đến mỗi nhà một vài chén cũng đủ để tới khuya chân lần bước về nhà...

Tiếng giã bánh dày thậm thịch đánh thức bình minh cả bản. Ngày tết thứ hai, từ sáng sớm, phụ nữ và trẻ em xúm xít quanh chiếc cối còn cánh đàn ông trai tráng thì vắt lưới lên vai ngược suối đi bắt cá. Bánh làm từ cơm nếp trộn với vừng giã nhuyễn thủ công bằng cối đá chôn ở góc nhà. Hớn hở nhất là tụi trẻ con. Chúng cứ líu tíu quanh mẹt bánh dày hôi hổi, thơm phức đang mỗi lúc một đầy thêm, thi thoảng nhón nhén tay véo lấy một góc bỏ tọt vào miệng nhai nhóp nhép.

Tối đến, chương trình văn nghệ chào mừng ngày tết cổ truyền của người Hà Nhì được cả bản đón chờ trong niềm háo hức. Rồi tất cả nhường sân khấu cho nam thanh nữ tú cùng nắm tay xòe dưới ánh trăng vằng vặc đêm rằm quanh đống lửa bập bùng, trong tiếng chiêng, trống càng về khuya càng tưng bừng, rộn rã.

Những chớp hình "nhặt" theo bước chân

Nơi cực Tây của Tổ quốc này, bà con Hà Nhì lấy điện từ những công trình thủy điện tự chế lợi dụng sức... suối. Dọc bờ Mo Phí trước bản Tả Kố Khừ có hàng chục "công trình" như thế. Hàng ngày, khi trời nhá nhem tụi trẻ con lại hò nhau ra suối vẫy vùng. Nước lạnh tê. Có nhóc lội xuống chỉ kịp nhúng ướt cái tóc là vội tong tẩy lên bờ, môi xám ngoét. Thế cũng được tính là một lần tắm.

Sừng Kim Thu, người phụ nữ đẹp và nấu ăn ngon nhất bản Tả Kố Khừ - Ảnh: Trang Hải.

Một trong những ám ảnh của chúng tôi khi lên nơi này là đôi mắt của những đứa trẻ Hà Nhì. Chúng tròn to màu nâu với lông mi cong dài và dày rợp mắt. Chúng cứ hút xoáy vào mắt người nhìn, thực khó để dứt khỏi những ánh mắt ấy.

Ở với bà con một tuần, ngoài những món thịt được chế biến vô cùng độc đáo, chúng tôi nhớ nhất là món cơm Hà Nhì. Gạo tẻ nương chỉ xát một lần nên vẫn giữ được những vệt đỏ. Trần gạo qua nước sôi cho nở ra trước khi đưa vào thố hấp vì thế cơm ăn dẻo, ngọt và thơm. Và phải là người phụ nữ giỏi bếp núc mới nấu được thố cơm ngon thết khách ăn một lần nhớ mãi.

Bếp của họ là một kho thức ăn, nhất là trong những ngày tết nhà nhà đều có thịt gác bếp, xúc xích đeo trĩu xà. Nhà đông người và khá giả thường đặt một chiếc chảo lớn trên bếp 24/24h. Chảo đa năng này vừa dùng để xào nấu, hâm nóng thức ăn vừa dùng để đun nước sôi. Ở đây, bà con sống tự cung tự cấp là chính, ít mua bán vì thế không có chợ. Rau nhà tự trồng, thịt nhà tự nuôi là lợn, gà, vịt..., củi cũng sẵn chỉ việc lên rừng lấy về.

Ngày Tết, nhà nào ở Tả Kố Khừ muốn mua đồ dùng hay hoa quả phải lên A Pa Chải, tới ngã ba biên giới, bước chân sang đất bạn Trung Quốc có ngay chợ liền đó. Pờ Hùng Sang (con trai ông Pờ Dần Sinh) nói: ở đây, sang Trung Quốc còn dễ hơn cả xuống trung tâm huyện Mường Nhé, đi chỉ mất khoảng hơn chục cây, còn xuống huyện là 5 chục cây số.

Theo chân thanh niên bản băng rừng, ngược dòng Pang Pơi, chúng tôi thử giăng lưới bắt cá suối cùng họ. Nước mùa cạn vẫn đủ ngập ngang người những chỗ sâu. Cá vảy bạc mắc lưới lấp lánh dưới ánh mặt trời đã vênh vếch đỉnh đầu. Quả chanh rừng hiếm hoi cuối mùa vàng rực đu trĩu cành bên bờ suối, ngọt và mát.

Rời Tả Kố Khừ, chúng tôi nhớ mãi hình ảnh thú vị và ngộ nghĩnh chú ụt ịt bị gông cổ bằng chiếc gông tam giác làm từ ống tre, nứa suốt buổi nom y một tên tội đồ đang bất lực chịu hình phạt vì không thể đào tẩu. Bà Sừng Kim Thu giải thích, nó là con lợn hư đã quấy phá vườn rau và sục sạo lung tung nên phải chịu phạt.