Sau Tết này, húng Láng - sản vật nổi tiếng đất Kinh kỳ Thăng Long - Hà Nội sẽ chỉ còn trong hồi ức, khi 20.000m2 đất trồng rau của HTX Láng Thượng nhường chỗ cho mục đích phi nông nghiệp.
Vụ rau cuối cùng...
Người trồng rau Láng nổi tiếng một thời đang sống những ngày cuối cùng với những luống rau thơm. "Những luống rau của làng rau Láng sẽ nhường đất để xây dựng hạ tầng cho quy hoạch chung của quận, thành phố...", ông Nguyễn Văn Trung, chủ nhiệm HTX Láng Thượng, xót xa nói.
Làng Láng trước vụ rau cuối cùng... (Ảnh:T.Chí) |
Hơn chục năm trước, các luống rau thơm sát hai bên đường gần chùa Láng (phố chùa Láng, quận Đống Đa) đã bị xé nhỏ. Người dân ở đây bảo, đất này đã được phân giới cắm mốc vào những ngày đầu năm 2008 và đang được xây tường bao.
Ông Ngô Xuân Lộc, 74 tuổi, gia đình có 4 đời trồng rau, nói trong chua xót: "Thôi thì được ngày nào hay ngày ấy. Đất Nhà nước lấy khi nào thì bàn giao khi đó, chắc muộn nhất là ra Tết".
Hàng ngày, từ 6h sáng, ông Lộc vẫn ra hái rau chở ra chợ Láng rồi lặng lẽ quay về với ruộng rau tưới tiêu. Ông bảo: "Làm ngày cùng lắm chỉ được ba bốn chục, nhưng cả nhà bây giờ trông vào lời lãi từ ruộng rau này". Ruộng rau ông Lộc trồng cải cúc, cải cay, rồi mùi... Vào mùa đông, giá bán rau cao hơn hè nên thu nhập mỗi ngày cũng tăng độ hơn một chục nghìn đồng.
Bà Thi và những luống rau húng đã trở thành thương hiệu! (Ảnh: T.Chí) |
Rau húng bà Thi nổi tiếng cả làng Láng, nhà bà từ 3 đời nay chỉ trồng rau thơm, đặc biệt là húng. Bà Thi đang nhặt các cọng rau buộc thành bó nhỏ để chờ người ra tận ruộng lấy. "Rau tôi chỉ bán cho các quán phở, bún ở Hàng Da nên người ta đến tận ruộng lấy, không mất công chuyên chở. Nhưng tôi vẫn lấy giá cao hơn gấp rưỡi so với húng Tây Tựu...", bà Thi cho biết.
Những luống rau của bà Thi cũng cùng chung số phận với ruộng rau ông Lộc và những ruộng rau khác của 151 xã viên trong HTX Láng Thượng. Biết trước cái ngày vườn rau của mình sẽ bị đào móng, san bằng rải xi măng... nên hệ thống thủy lợi của làng Láng gần như cạn nước, nhưng chẳng ai buồn để tâm.
Ruộng rau của ông Lộc được tưới tiêu bằng hố trữ nước từ cách đây hơn 5 năm, nay đã hỏng xuống cấp nhưng ông cũng chẳng sửa lại. Ông bảo năm kia (năm 2006) ông đang tính tự bỏ tiền túi ra xây lại, nhưng khi nghe tin HTX chuyển đổi thành HTX Thương mại Dịch vụ Láng Thượng, ông cũng chẳng sửa sang nữa.
"Nông phu thành phố": Phấp phỏng chờ tương lai
Những xã viên của HTX Láng Thượng chủ yếu là những người đã có tuổi. Thanh niên làng Láng "thức thời" hơn cha ông, nên đa số đã nhanh chân kiếm một nghề khác ngoài rau để sống. Trên những mảnh ruộng cuối chiều ngày đông ảm đạm chỉ có những người già cần mẫn tưới tiêu...
|
|
PV VietNamNet đặt vấn đề "hậu quy hoạch" với Chủ nhiệm HTX Nguyễn Văn Trung, ông bảo đó là... "bài toán khó! Vì hơn 2/3 trong số 151 xã viên của HTX có tuổi từ 40 trở lên, nhiều người đã có cháu có chắt. Lâu nay họ có một nghề ổn định và có thu nhập cho cuộc sống, bây giờ bảo họ chuyển đổi thì họ biết làm gì?".
Đó là câu chuyện của Ban quản lý HTX, còn những "nông phu cuối cùng của phố" thì có cách nghĩ khác và có cách tính riêng của họ. Chị Trương Thị Thu, 37 tuổi, một xã viên đã đóng cổ phần khi HTX chuyển đổi sang HTX Thương mại Dịch vụ thì nói: "Nếu có thể sau này, khi những ruộng rau thành bãi xe hay trường tiểu học thì cố gắng xin một chân làm lao công. Chắc cũng đủ sống, chưa biết thu nhập có được như trồng rau hay không?"
Năm sau, nơi này sẽ còn những luống rau xanh mướt mắt?! (Ảnh: T.Chí) |
Với chị Thu là thế, khi sức khỏe còn cho phép lao động. Còn với những người già, đã có tuổi thì sao?
Ông Lộc hy vọng rằng HTX sẽ có một quỹ đất riêng ngoài quy hoạch chung của Nhà nước, trên chính mảnh đất ấy sẽ là những dịch vụ được quyền quyết toán riêng của HTX. Khi HTX làm ăn có lãi, người đóng cổ phần được hưởng phần trăm lãi suất. Chắc không đến nỗi nào. "Cũng chỉ biết hy vọng chứ biết làm sao nữa" - giọng ông Lộc xa xăm...
Theo Chủ nhiệm Nguyễn Văn Trung, khi chuyển đổi thành HTX Thương mại và Dịch vụ (quyết định cổ phần vào 9/2006) thì mỗi xã viên đã đóng cổ phần 30 triệu. Và hiện nay, những người đã đóng 30 triệu đó cứ 3 tháng thì được chia 1 triệu.
Cũng theo ông Trung, hơn 20.000m2 đất mà xã viên trồng rau hiện nay, không nằm trong quyền quản lý của HTX và đến nay quy hoạch tổng thể từ các luống rau vẫn chưa đi đến thống nhất. (trong khi HTX đã cho xây tường bao quanh các luống rau?!).
Điều đó cũng có nghĩa là từ bây giờ, những nông dân của phố phải nghĩ ngay kế sinh nhai khác ngoài trồng rau. Nhưng xem ra, đó không phải là chuyện dễ!
"Tiếc nhớ một cái gì không mất hẳn, nhưng không còn thấy"! (Ảnh:T. Chí ) |
Tuy nhiên, thế hệ trồng rau Láng cuối cùng này cũng đã ở vào tuổi xế chiều. Nhiều người trong số họ, như cụ Cập, 80 tuổi, số nhà 19/30 ngõ 898 đường Láng cũng không hẳn nghĩ nhiều về chuyện cơm áo bằng những nỗi tiếc nhớ không thể gọi thành tên!