Những ngày cuối năm, trời đã rét lại càng rét hơn bởi màn mưa lất phất. Mưa xuân gột rửa cây xanh nhưng lại làm cho những con đường về với các làng quê của Quảng Bình trở nên ướt nhoẹt và nhão nhoét bùn đỏ. Vì muốn trực tiếp chuyển tấm lòng của bạn đọc báo VietNamNet đến tận tay người nhận nên chuyến “du hành” của PV VietNamNet kéo dài trong hai ngày. Và điều mà chúng tôi muốn nói là, còn nhiều lắm những cảnh đời bất hạnh, hãy chung tay để tất cả người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn có một cái tết ấm áp, an lành…
PV VietNamNet tặng quà cho mẹ Trần Thị Nhung (Văn Thuỷ - Lệ Thuỷ), 92 tuổi, là vợ và mẹ của liệt sĩ. |
Còn nhiều lắm những cảnh đời…
Những gia đình mà chúng tôi đến thăm đều có những hoàn cảnh khác nhau, nhưng đều có một điểm chung là sự khốn khó về vật chất. Hình như không khí đón Tết vẫn chưa đến với những ngôi nhà ấy, nhất là khi họ đang còn vất vả cho việc chạy từng bữa cơm…
Chị em Nguyễn Thị Quế, Nguyễn Văn Quân (Vĩnh Ninh - Quảng Ninh) mất cả cha lẫn mẹ cách đây đã 7 năm, khi đó Quế chỉ mới 12 tuổi, còn Quân 6 tuổi, phải sống nhờ nhà dì dượng. Cuối năm 2006, chị em Quế được các ban ngành hỗ trợ làm ngôi nhà tình thương trên nền đất cha mẹ để lại. Khi hỏi Quế học lớp mấy, em chỉ lắc đầu rồi cười bẽn lẽn. Thì ra, Quế chưa một lần được đến trường, em chỉ biết viết tên của mình do cậu em trai 13 tuổi học lớp tình thương chỉ bày cho. Bây giờ, khi đã bước sang tuổi 19, niềm mơ ước duy nhất của em là được đến trường, được đi học để biết đọc con chữ.
Anh Lê Văn Kháng (Duy Ninh - Quảng Ninh) lại có hoàn cảnh cực kì bi đát. Vợ mất đã năm năm nay, còn anh bị tâm thần do di chứng của chiến tranh. Suốt ngày, anh đi lang thang từ đầu làng đến cuối xóm, vừa đi vừa nói lảm nhảm. Ba đứa con của anh đành nhờ vào bà ngoại năm nay đã bước vào tuổi thất thập. Lúc chúng tôi đến, anh Kháng đang ngồi im lìm bên hiên nhà, chào không thưa, hỏi không nói. Được một lúc, anh lại xoay ra nói chuyện một mình, tiếng bổng tiếng trầm như chất chứa những nỗi ai oán từ vạn kiếp…
Bữa cơm đoàn tụ của gia đình chị Mai Thị Hoa (vợ liệt sĩ Trần Văn Phương - Quảng Phúc, Quảng Trạch) và quà Tết cho em (Trần Thị Thuỷ và em gái Mai Thị Khánh Huyền). |
Hoàn cảnh nhất phải kể đến bà Nguyễn Thị Thẻn (thôn Thống Nhất, xã An Ninh, Quảng Ninh). Bà sinh được ba người con gái thì cả ba đều bị tâm thần nặng, không làm được việc gì mà chỉ đi lang thang đây đó.
Căn nhà nhỏ được Đoàn thanh niên của xã quyên góp và ủng hộ ngày công để dựng lên cách đây bốn năm giờ cũng đã không thể chống lại được sự tàn phá của mưa bão. Căn nhà ẩm thấp, tối tăm, nền đất ướt lép nhép mỗi khi có nước hắt vào. Đứng tựa cửa nhìn vào là hai bé gái, đứa lớn 8 tuổi, đứa nhỏ 6 tuổi. Chúng sợ khi nhìn thấy người lạ nên cứ thập thò ở ngoài.
Bà Thẻn gạt nước mắt: “Hai đứa kêu tui bằng mệ ngoại, là con của hai đứa lớn. Chúng bị bệnh, đi lang thang rồi bị mấy tên bất lương cưỡng hiếp. Phúc may, bọn trẻ sinh ra còn được lành lặn thành người. Nhưng rồi tiền mô cho chúng đi học cái chữ… như con người ta”.
Giọt nước mắt của người mẹ, người bà không giấu nổi sự bất lực vì việc nuôi con, nuôi cháu khi chính bà cũng đã tuổi cao, sức yếu. Những người con gái của bà lại không có nhà. Có lẽ họ đang lang thang đâu đó trên những con đường làng ướt nhoẹt đất đỏ…
…Và hai mươi hộ gia đình được nhận quà hỗ trợ của bạn đọc báo VietNamNet đều có chung hoàn cảnh khó khăn và neo đơn ấy. Gia đình anh Hoàng Văn Khải quê ở Quảng Trạch, vì bão lũ mà trôi dạt đến tận đất Bắc Trạch (Bố Trạch), cả nhà bốn khẩu phải nương nhờ trong căn lều coi tôm bốn bề gió lùa; gia đình anh Trần Văn Đô ở Quảng Hưng (Quảng Trạch), vợ mất, bản thân bị bệnh tâm thần, lại phải nuôi ba con nhỏ; mẹ Phan Thị Thí (Hoàn Lão - Bố Trạch) một mình trong căn nhà vắng ...
Một miếng khi đói…
Hai ngày liền, chúng tôi đi đến với những hoàn cảnh đặc biệt khó khăn để mang đến cho họ niềm vui nhỏ bé của mùa xuân mới. Báo VietNamNet đã chuyển hai mươi suất quà của bạn đọc trị giá mỗi suất 500 nghìn đồng cho đồng bào Quảng Bình. Bạn đọc còn gửi quà thăm hỏi tới hai gia đình liệt sĩ hi sinh tại đảo Trường Sa ngày 14/03/1988 mỗi suất 1 triệu đồng.
Niềm vui của mẹ Phan Thị Thí (Hoàn Lão - Bố Trạch) khi nhận được quà của bạn đọc VietNamNet. |
Nhận được món quà của bạn đọc báo VietNamNet khi ngày Tết đã gần kề, bà Thẻn xúc động đến rơi nước mắt. Hai đứa cháu xúm xít quanh bà để xem những tờ tiền giấy màu xanh mà có lẽ lần đầu tiên trong đời chúng được nhìn thấy. Khi chia tay, cháu Nguyễn Thị Hiểu, 6 tuổi bẽn lẽn cười, hỏi tôi: “Rứa là cháu sắp có quần áo mới o hè?”. Chắc Hiểu đã nghe thấy lời nhắn nhủ của chúng tôi khi bà em nhận món quà. Với đứa trẻ nhiều thiệt thòi như Hiểu, tôi biết, điều vui nhất của em khi Tết về có lẽ vì em sắp có được bộ áo quần mới. Nhờ những tấm lòng, em có một cái Tết ấm áp hơn…
Buổi gặp mặt với chị Trần Thị Liễu, vợ liệt sĩ Nguyễn Mậu Phong, mẹ của cậu tân binh Nguyễn Mậu Trường đang làm nhiệm vụ tại đảo Nam Yết - Trường Sa diễn ra bên bờ ruộng đang cong mình trong cái rét căm căm. Trời chiều lất phất mưa, chị Liễu đang trùm mình trong chiếc áo mưa để cấy dặm cho kịp xong trước Tết. Chị khoe, ngày mai Xuân về rồi. Chị phải dặm mạ cho kịp để còn ra bến xe đón cháu. Tết này, cả nhà chị sẽ xum vầy…
Còn chị Mai Thị Hoa (vợ liệt sĩ Trần Văn Phương - Quảng Phúc, Quảng Trạch) thì rơi nước mắt khi nhận được món quà của VietNam Net. Niềm vui càng nhân lên khi Trần Thị Thuỷ, con gái chị hôm nay đã từ trường đại học về ăn Tết. Lâu lắm rồi, cả nhà chị mới lại được quây quần bên mâm cơm với đầy đủ ba người. Bé Huyền mừng lắm, cứ xoắn xít bên chị mãi…
Ngôi nhà này là tổ ấm của bà Nguyễn Thị Thẻn (An Ninh - Quảng Ninh) cùng với ba đứa con gái bị điên và hai đứa cháu (ảnh trái). |
Vĩ thanh
Chia tay. Những bàn tay nắm chặt, lắc lắc. Những giọt nước mắt giàn giụa vì sự sẻ chia. Có nhiều người không biết báo điện tử VietNam Net là báo gì, nhưng ai cũng nhắn nhủ rằng, o cho gửi lời cảm ơn của mệ, của chú, của cháu tới bạn đọc VietNam Net… Họ chỉ biết, báo đóng ở tậnTrung ương
Mùa xuân đang về, cho dù tivi dự báo thời tiết còn rét kéo dài. Và mùa xuân còn được tiếp nối mãi bởi những tấm lòng luôn hướng về người nghèo. Món quà của bạn đọc VietNamNet tuy nhỏ nhưng đã phần nào sưởi ấm lòng những đứa trẻ như Hiểu, như Huyền, những người mẹ đã sống qua quãng đời đau khổ như mẹ Thẻn, mẹ Thí, mẹ Nhung, mẹ Thê…
Bài và ảnh: Ngọc Lan (VietNamNet.vn)