Gần tết, thị thường đồ uống các giải khát như nước ngọt, bò húc, sữa đậu nành... đóng chai lại bắt đầu sôi động.
Một cơ sở sản xuất nước đóng chai bẩn thỉu, nhếch nhác. (Ảnh: CAND) |
Ngoại trừ các thương hiệu nổi tiếng như Coca cola, Tribeco... còn phần đông những người tiêu dùng cứ uống vô tư các loại nước đóng chai đủ màu xanh đỏ mà không hay biết mình uống nước được sản xuất ở đâu? Nó được đóng chai như thế nào...?
Có một lý do, nước đóng chai "Made in... gia công" có giá rẻ hơn rất nhiều lần so với sản phẩm có thương hiệu. Vì lẽ đó, nước đóng chai gia công có đất sống và nếu tận mắt chứng kiến mới thấy hết sự kinh hoàng về những mầm bệnh... ngọt ngào do nó đem lại!
Từ nơi phát sinh "những mầm bệnh ngọt ngào"...
Sau một hồi đi đi lại lại mãi, mặc dù có địa chỉ trên tay nhưng phải vất vả lắm chúng tôi mới tìm đến được cơ sở sản xuất nước giải khát đóng chai ở Dốc Lã - Gia Lâm -Hà Nội. Vừa bước đến cổng, đập vào mắt chúng tôi là một tấm bảng cũ kỹ, bé tí teo nằm khá khuất ghi tên cơ sở sản xuất, phải vất vả lắm chúng tôi mới đọc được tên cơ sở đó. Nhìn ngoài khó có thể nhận ra đây là một cơ sở sản xuất bởi căn nhà thấp lè tè, trông bẩn thỉu và hôi hám.
|
Đưa mắt quan sát, tôi bắt gặp một chiếc máy xay được gắn mô tơ điện cáu bẩn, vàng khè bởi những gỉ sắt do không được làm vệ sinh, đang chạy hết công suất xay đậu tương chảy xuống một chiếc chậu không được sạch sẽ cho lắm! Bên cạnh một công nhân đang vã mồ hôi vắt lấy vắt để bột đậu tương ướt trong chiếc túi ngả màu đen xỉn. Cả khu sản xuất nhầy nhụa nước, nhếch nhác, thảm hại. Cạnh đó là rãnh nước thải đen ngòm không được che đậy, bốc mùi nồng nặc, khó chịu.
Nhiều công nhân sơ ý làm sữa đậu tràn cả ra ngoài, khiến ruồi nhặng bay vù vù như vãi trấu. Đến gần một cậu thanh niên đang ngồi bên đống vỏ chai vất lăn lóc, tôi hỏi chuyện, được biết đống vỏ chai vẫn dùng đựng sữa đậu nành nên chỉ cần tráng qua loa là lại được tái sử dụng. Còn không, chỉ cần nhúng vào bể nước ngâm vài phút cho rác rưởi bên trong bở ra thì nhấc lên.
Tiếp đến là mang chai nhúng lại bằng nước sạch rồi để cho khô trong khi mùi xà phòng vẫn còn nồng nặc. Dưới nền nhà lềnh bềnh bọt xà phòng và rác. Thế nhưng bên cạnh đó là máy xay đậu lò nấu sữa và cũng là nơi đóng chai. Công việc cứ đều đều nhộn nhịp, chai được xếp thành dãy ngay dưới nền nhà và ngay bên cạnh là vòi nước dùng để rửa lại chai ngay sau khi đã đóng nắp.
Đa phần nhân viên tại đây là làm theo việc mùa vụ, họ từ nhiều nơi khác đến và không được kiểm tra sức khoẻ. Điều đáng nói nhất ở đây là nguồn nước được sử dụng ở đây là nguồn nước giếng khoan, trong khi ngay bên cạnh là một con mương nước thải cách đó không xa.
Nước + phẩm màu= nước cam, chanh, bò húc...
Sau một hồi, tận mắt "mục sở thị", chúng tôi khác ngạc nhiên vì đây là một cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, không được trang bị thiết bị sản xuất nhưng có thể sản xuất tới hàng chục mặt hàng giải khát. Không chỉ sản xuất sữa đậu nành, sữa đậu xanh mà cơ sở này còn mùa nào thức ấy, sản xuất các loại nước ngọt, trà bí đao, bò húc, nước yến... với giá cũng khá ngọt ngào!
|
Xem kĩ một số sản phẩm được chào hàng, chúng tôi phát hiện ra một số chai nước được dán mác của cơ sở sản xuất nhưng có tên na ná với sản phẩm của một số hãng có thương hiệu uy tín để "lập lờ đánh lận con đen" nhằm loè bịt người tiêu dùng. Đặc biệt, có một số chai mới ghi ngày sản xuất có cách đó vài ngày mà khi giơ ngược chai lên, quả thật, nếu có nhắm mắt vào cũng không ai dám uống, bởi trong thành chai vẫn còn đọng đầy chất bẩn chưa được rửa sạch.
Qua một người bạn tôi đã từng làm việc ở một số cơ sở sản xuất thực phẩm cho biết về "quy trình công nghệ" tại những nơi này như sau: một lít nước cho bao nhiêu đường, bao nhiêu màu... chủ đưa ra công thức pha chế thế rồi công nhân cứ thế mà làm theo. Do đó bí quyết sản xuất nước đóng chai cực kỳ đơn giản: Nước + phẩm màu= nước cam, chanh, bò húc...
Qui trình sản xuất nước giải khát đóng chai gia công là như vậy và tôi dám đảm bảo với các bạn rằng, ai đã từng một lần mục sở thị như tôi chắc chắn không bao giờ dám uống các sản phẩm này nữa.