(VietNamNet) - Cấm hẳn việc biếu xén, quà cáp cấp trên trong dịp Tết là việc khó. Nhưng muốn nghĩa cử tốt đẹp đó không bị biến tướng thì cần có những quy định cụ thể và phù hợp với thực tế.
"Ngày Tết, những hộp quà sang trọng như thế này đã được luân phiên không biết bao nhiêu lần đến các shop quà tặng". Ảnh: TTO |
Công điện khẩn số 28 ngày 6/1/2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc đón Tết Bính Tuất có đoạn: “... tổ chức đón Tết vui tươi, an toàn, lành mạnh và triệt để tiết kiệm; không tổ chức mang hoa, tiền, quà đến tặng tại cơ quan, nhà riêng cấp trên, lãnh đạo. Việc trích quỹ khen thưởng và các nguồn tài chính theo đúng chế độ tài chính hiện hành, công khai, minh bạch...”
Không ít người dân đón nhận công điện trên với một tinh thần hồ hởi. Bởi người đứng đầu Chính phủ khi nhắc đến việc chăm lo cái Tết cho người nghèo, cho những vùng đồng bào còn khó khăn vẫn không quên nhắc nhở một thông lệ xấu là mang quà Tết “trên mức tình cảm” đến cán bộ cấp trên mà thực chất là một mảnh đất tốt nuôi dưỡng tham nhũng. Nhưng cũng có ý kiến khác cho rằng, lại thêm một cục đá “ném ao bèo”. Bởi tinh thần đón Tết như vừa nói ở trên đã được người đứng đầu Chính phủ nhắc đến hàng chục lần. Song kết quả thì vẫn vậy, không những không hề giảm mà còn tăng mạnh.
Còn nhớ, cách đây mấy năm, vào dịp Tết, lãnh đạo thành phố H mỗi ông có một ô riêng, cơ quan nào có quà, tự động ném vào đó. Về nhận chức Chủ tịch thành phố, ông Chủ tịch hùng hồn tuyên bố:" Phần quà Tết của tôi sẽ kiểm kê để sung công quỹ".
Kết quả là, cái Tết năm đó, ngân sách thành phố thu được hơn hai tỷ đồng từ nguồn quà Tết của ông Chủ tịch liêm khiết. Nhưng rồi, sự việc này dường như bị chìm vào quên lãng. Dư luận băn khoăn và phán đoán theo hai hướng: thứ nhất, vì động thái dứt khoát đó mà các cơ quan, ban ngành từ bỏ ý định tặng quà vị chủ tịch nọ. Thứ hai, chuyện quà cáp vẫn “lối cũ ta về”, không những không giảm mà mỗi năm thêm tăng lên bội phần, theo tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế. Ông chủ tịch đáng kính kia đã từ bỏ hành động bị coi là rồ dại đáng bị lên án khi mới tò te nhậm chức. Tất nhiên, thực tế diễn ra theo hướng nào đến nay vẫn là một dấu hỏi bỏ ngỏ.
Với người Việt, đến thăm hỏi nhau ngày Tết cũng là để tỏ thái độ trân trọng, quý mến. Ảnh: Báo Nhân dân |
Năm ngoái, có dịp đến nhà một ông Bộ trưởng nổi tiếng là liêm khiết, tác giả đã được chứng kiến cảnh, tầng tầng lớp lớp quà biếu chất ngập cả cầu thang. Ông than phiền: "Không biết xử lý ra sao với đống quà này!".
Theo tập quán của người VN, Tết đến là dịp đoàn tụ, sum vầy, là dịp để những người thân hàn huyên, giãi bày tình cảm sau một năm vật lộn mưu sinh khó nhọc. Người ta đến nhà mình, có chút quà bày tỏ tấm lòng là chuyện khó từ chối. Nhưng quà thế nào lại là chuyện khác. Đằng sau gói quà là lòng thành hay một âm mưu? Sông sâu còn có kẻ dò, còn lòng người, đo làm sao đây?
Không ít vị quan chức có cùng tâm trạng với ông Bộ trưởng đáng kính trên, nhưng cũng không ít vị coi Tết là một dịp làm ăn.
Có ông Vụ trưởng nọ, nhận được tin báo bà mẹ già dưới quê ốm nặng, sống chết trong gang tấc. Đến nhà hỏi thăm, tôi không hy vọng được gặp ông, nhưng vẫn thấy ông điềm nhiên ngồi ở phòng khách. Tìm hiểu thêm được biết, Tết là cơ hội gỡ gạc sau một năm, giải quyết thủ tục cho bao nhiêu cơ quan, doanh nghiệp, một năm “trồng cấy” các mối quan hệ, giờ mới đến mùa thu hoạch. Biết tin, nhưng ông vấn không thể về quê thăm mẹ vào thời điểm tận thu này.
Từ bức công điện của Thủ tướng, để không bị coi là vi phạm, chuyện quà Tết được biến tướng một cách tinh vi hơn. Không một cơ quan nào lại đưa quà vào đúng dịp Tết mà hầu hết đều đưa quà trước Tết hoặc sau Tết.
Tôi hỏi bạn tôi, một doanh nhân: Tết nay ông chi cho quà cáp khoảng bao nhiêu? anh cho biết, công ty của anh không lớn, nên chi cho quà tết khiêm tốn thôi. Chỗ thân tình, mang tính chiến lược khoảng mươi ngàn đô, chỗ quan hệ lâu dài, lấy chỗ đi lại thường một vài ngàn, chuyên viên ở bộ khoảng một vài trăm, tuỳ theo tính chất mà liệu. Hỏi: Thủ tướng đã có chỉ thị cấm, ông chi như vậy là sai nguyên tắc, khi thanh tra phát hiện thì giải trình làm sao? trả lời: Trong hệ thống tài khoản kế toán, không có tài khoản nào có tên là “quà tết” cũng không ai dại gì lại hạch toán vào chi phí sản xuất và ghi rõ là tiền quà. Thường thì tiền được tính vào chi phí cho dự án, cho thưởng, cho hội thảo, cho cộng tác viên, có ngàn lẻ một cách biến tướng...
Doanh nghiệp làm ăn được, có quà Tết cho cấp trên đã đành, không ít doanh nghiệp trải qua một năm khốn khó, lời lãi không được bao nhiêu, thường xuyên nợ lương công nhân nhưng vì lệ làng, không chịu “thua chị kém em” cũng phải gồng mình lên, cắt xén từ các khoản chi tiêu eo hẹp để lo khoản quà Tết cho cấp trên. Một doanh nhân nói với tôi: Người ta có, mình không khó nghĩ lắm. Cả năm có ba ngày Tết, không quan tâm đến cấp trên thì những ngày khác người ta quan tâm đến mình sao được!
Có lẽ vì lý do này, chỉ thị cứ việc chỉ thị, còn quà Tết vẫn liên tục phát triển, vào dịp sắp tết, trên khắp mọi nẻo đường, từng đoàn xe sang trọng vẫn nối đuôi nhau đổ về Hà Nội. Thi thoảng, phát hiện thấy một vụ án kinh tế với những công trình xây dựng kém chất lượng, với những khoản đổ bể, thất thoát dăm bảy chục tỷ đồng, đứng trước vành móng ngựa, bị can mới hé lộ một phần của hành trình quà cáp.
Dư luận vẫn chưa quên một vụ án Lã Thị Kim Oanh, giám đốc công ty Hội chợ và triển lãm nông nghiệp ở Hà Nội. Để được duyệt những khoản vay cho các dự án, doanh nhân họ Lã đã chi cho việc quà cáp hàng chục tỷ đồng. Kết quả là sau năm năm làm giám đốc, doanh nghiệp này đã để lại một khoản thất thoát hơn 150 tỷ đồng mà hậu quả cho đến bây giờ vẫn chưa khắc phục xong.
Quà Tết cho quan chức không chỉ làm tha hoá cán bộ, làm đạo đức xã hội xuống cấp mà còn gián tiếp gây tổn hại cho nền kinh tế, vậy đâu là liều thuốc hữu hiệu để ngăn chặn tệ nạn này?
TS Nguyễn Văn Nam, thành viên Ban nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ cho biết: "Cần phải có một chế tài. Chúng ta đã có chỉ thị, nhưng chưa có một chế tài nào xử lý việc vi phạm chỉ thị ấy".
Trong mấy chục năm qua, khi các vụ án kinh tế được đưa ra ánh sáng, việc biếu xén mới bị tiết lộ. Chưa có trường hợp nào biếu xén, quà cáp “trên mức tình cảm” bị truy tố. Luật Tham nhũng mới được Quốc hội thông qua cũng chưa có một hạn mức nào về quà cáp được coi là quá mức, không phải khai báo. Luật Mỹ quy định, quà tặng trên 5 USD phải khai báo rõ nguồn gốc và phải nộp thuế thu nhập.
Còn ở ta, mặc dù dự luật chống tham nhũng đã được Quốc hội bàn cách đây 9 năm và việc lễ Tết đã được nhắc đến cách đây hơn chục năm nhưng chưa thấy một quan chức nào khai báo với cơ quan chức năng, rằng, năm nay trong số X túi quà của tôi, trong đó có Y túi quà là có tiền, trị giá hơn Z ngàn đô và tôi xin được sung công số tiền trên!
Sự giám sát của dư luận xã hội, của các cơ quan truyền thông, sự chuyển biến về ý thức, sự cải thiện chế độ thu nhập cho công chức là rất cần thiết, nhưng cùng với nó là những chế tài.
Cấm hẳn việc biếu xén, quà cáp cấp trên trong dịp Tết là việc khó. Nhưng muốn nghĩa cử tốt đẹp đó không bị biến tướng thì cần có những quy định cụ thể và phù hợp với thực tế hơn.
Đây cũng là một bước quan trọng trong việc minh bạch hoá nền kinh tế, đáp ứng nhu cầu của công cuộc hội nhập của đất nước.
- Phan Thế Hải