Sau hơn 30 năm chiến tranh máu lửa những người con sống sót luôn đau đáu một nỗi niềm là mình phải làm gì để xứng đáng với sự hy sinh của những đồng đội đã ngã xuống vì đất nước.
Trong muôn vàn chuyện cảm động thời hậu chiến kể về nghĩa tình đồng đội, báo Tiền phong số 145 ngày 21/7/2004 có bài viết “Chuyện Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Tấn Dũng đi tìm thân nhân của người đồng đội đã khuất…” gây xúc động bao người.
Chuyện chưa dừng lại, Xuân này những việc làm cảm động của người đồng đội đặc biệt ấy lại được bà con kể tiếp.
Hồi còn chiến tranh, Tiểu đoàn trưởng Ba Dũng được phân công chỉ huy một trận đánh quan trọng ở chiến trường Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang. Ông Ba Dũng chọn Đại đội 2 phần đông quê Nghệ Tĩnh làm mũi chủ công. Trung úy- Hoàng Văn Tợi quê
xứ Nghệ là chính trị viên Đại đội này. Trung úy Tợi là con thứ 3 trong một gia đình có nhiều người tham gia chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Trận đánh ấy diễn ra quyết liệt.
Tiểu đoàn trưởng Ba Dũng, Chính trị viên Đại đội 2- Ba Tợi chỉ huy đơn vị đuổi giặc chạy dài, khi ta quay lại có một tên bị thương tưởng đã chết vùng lên bắn vào Ba Tợi. Trước lúc hy sinh, Hoàng Văn Tợi đã nhờ thủ trưởng Ba Dũng truyền lại những lời nhắn gửi với gia đình.
Tiểu đoàn trưởng Ba Dũng là người chăm lo công tác mai táng cho Ba Tợi và nhận thêm trọng trách chuyển lại ý nguyện của người đã khuất. Từ đó trong tâm tưởng ông Ba Dũng in đậm thêm những dòng tên: “Liệt sỹ Hoàng Văn Tợi có bố là Hoàng Văn Hậu, mẹ là Đặng Thị Thế, vợ là Đặng Thị Phiên quê hương ở Nghệ Tĩnh…”.
Sau ngày ra công tác ở T.Ư, ông Nguyễn Tấn Dũng luôn tìm cách mong lần ra manh mối thân nhân của người bạn chiến đấu thân thiết đã anh dũng hy sinh ở chiến trường, để có dịp thăm viếng, thực hiện lời người ra đi dặn lại.
Nghệ Tĩnh (bao gồm
Nghệ An và
Hà Tĩnh) vùng đất mênh mông nhập lại rồi tách ra, công việc tìm kiếm một người không rõ địa chỉ huyện và xã quả thật khó khăn. Nhưng rồi điều mà Tiểu đoàn trưởng Ba Dũng năm xưa dự định làm, sau này đã thành hiện thực. Quá trình tìm kiếm thân nhân của người đồng đội diễn ra như thế nào thì báo Tiền phong (số 145 ngày 21/7/2004) đã nói rõ.
Tháng 9/2002, Phó Thủ Tướng thường trực Nguyễn Tấn Dũng lần đầu tiên về thăm
Hà Tĩnh nhân đợt lũ quét, hôm đó trời vẫn còn mưa. Các ngả đường trong xã Cẩm Nam, huyện
Cẩm Xuyên vẫn sũng nước. Cuộc viếng thăm đầu tiên bất ngờ vào thời khắc đã 9 giờ đêm.
Ông Ba Dũng về gia đình thân sinh đồng đội liệt sỹ Hoàng Văn Tợi trong một ngôi nhà quá đơn sơ, chất đầy lúa vừa gặt về. Bố liệt sỹ đã mất. Chỉ còn lại thân mẫu là bà Đặng Thị Thế lúc ấy cũng đã ngoài 90 đang ở chung với người anh trai.
Sau bao năm mong đợi con về…, hôm ấy gặp được người đồng đội của con làm đến chức Phó Thủ tướng Thường trực Chính Phủ, bà Thế mừng lắm. Bà chỉ có nguyện vọng duy nhất cuối đời là đưa được hài cốt của đứa con về quê là bà yên lòng.
Sau chuyến viếng thăm ấy, ông Ba Dũng đã tạo mọi điều kiện để gia đình đưa hài cốt liệt sỹ Hoàng Văn Tợi từ Kiên Giang về trong nghĩa trang huyện
Cẩm Xuyên,
Hà Tĩnh. Biết chuyện này thông qua ông Ba Dũng, một đơn vị ở Hà Tây đã tặng thân mẫu liệt sỹ này một ngôi nhà tình nghĩa.
Lần thứ hai, nhân dịp về chỉ đạo Đại hội Đảng bộ tỉnh
Hà Tĩnh (khóa XVI giữa tháng 9/2005), ban ngày bận việc nhưng ban đêm ông Ba Dũng cùng ông Trần Đình Đàn- Bí thư Tỉnh ủy và nhiều cán bộ ban ngành khác của tỉnh lại về xã Cẩm Nam thăm gia đình thân nhân liệt sĩ Hoàng Văn Tợi.
Ông Hoàng Văn Hợi-anh trai của liệt sỹ Hoàng Văn Tợi kể lại: Hôm ấy, ông Ba Dũng ngồi chơi khoảng 30 phút, hỏi thăm sức khỏe và tình hình làm ăn của gia đình, việc học hành của các cháu. Mấy lần ông nhắc đến chị Phiên vợ của chú Tợi. Vợ chồng cô chú ấy cưới nhau được mấy hôm, chú Tợi lên đường chiến đấu và hy sinh, rất tiếc không kịp có được một đứa con.
Lần thứ ba vào ngày 23/12/2006, sau khi dự và phát động lễ khởi công nhà máy nhiệt điện lớn nhất Việt Nam đặt tại Cảng Vũng Áng –
Hà Tĩnh; chiều ấy Thủ tướng cùng phu nhân đến thăm gia đình liệt sỹ Hoàng Văn Tợi, phía địa phương có Bí thư tỉnh ủy Trần Đình Đàn và nhiều quan chức khác cùng đi.
Ông Ba Dũng trở lại căn nhà tình nghĩa mà mẹ liệt sỹ Hoàng Văn Tợi đã sống những năm cuối đời. Biết có Thủ tướng về thăm, bà con làng xóm tụ họp đến rất đông.
Ai cũng mừng cho gia đình này, thật vinh hạnh đã ba lần được đón tiếp đồng đội của con trai mình, người ấy đã trưởng thành lên đến chức Thủ tướng Chính phủ. Ngoài việc chăm lo đời sống cho hơn 80 triệu dân cả nước, ông Ba Dũng luôn hướng về ngôi nhà này với tình cảm đặc biệt của một người đồng đội năm xưa.
Buổi gặp mặt diễn ra chừng 30 phút. Thủ tướng cầm tay thăm hỏi nhiều bà con trong xóm làng, thắp hương lên bàn thờ ông bà và người đồng đội cũ, chụp ảnh lưu niệm với gia đình và chính quyền địa phương.
Trước lúc chia tay, Thủ tướng trao cho ông Hoàng Văn Hợi, anh trai của liệt sỹ Hoàng Văn Tợi gói quà và nói: “Ngày tết cổ truyền của dân tộc sắp đến, gia đình tôi không thể về được. Nhân tiện hôm nay có chút quà tết, nhờ gia đình thắp hương cho ông bà và anh Hoàng Văn Tợi… Lúc nào về
Hà Tĩnh tôi sẽ ghé vào thăm…”.
Sau khi Thủ tướng đi rồi, chúng tôi còn nán lại gia đình và địa phương, tò mò một chút, được biết thêm, trưa hôm ấy Thủ tướng nghỉ ở phòng 212 của Khách sạn Thiên Ý ở biển Thiên Cầm cách nhà liệt sỹ Hoàng Văn Tợi gần chục km. Ở khách sạn này phòng nào cũng chuẩn bị sẵn mấy chiếc bì thư, bút, giấy dành cho khách viết thư hoặc viết lời góp ý. Thủ tướng đã dùng chiếc bút bi của khách sạn đề lên phía ngoài phong thư:
“Nguyễn Tấn Dũng
Thắp hương ông, bà cụ và đồng chí Hoàng Văn Tợi người đồng đội chiến đấu cùng Tiểu đoàn 207, Trung đoàn 152 trên chiến trường Hà Tiên – Kiên Giang”.
Cuối cùng là chữ ký quen thuộc mà nhiều người vẫn thấy trên các văn bản quan trọng của Nhà nước.
Bà vợ ông Hợi nói: “Khoản tiền mà ông Ba Dũng biếu, tôi sẽ cất giữ cẩn thận để Tết đến rồi hàng năm mua sắm lễ vật giỗ ông bà và chú Tợi. Biết bao nhiêu người ra đi đã hy sinh vì nước nhưng niềm vinh hạnh được như chú Tợi là quá lớn lao…”.
Sau ba lần ông Ba Dũng về thăm gia đình và quê hương
Cẩm Xuyên, gia đình và địa phương khát khao có dịp được ra Hà Nội thăm gia đình người đồng đội đặc biệt ấy của liệt sỹ Hoàng Văn Tợi. Nhưng thời gian của Thủ tướng đâu có rảnh rỗi.
Bất ngờ giữa lúc Hội nghị T.Ư 4 đang tiến hành, nhận được điện của ông Trần Đình Đàn – Ủy viên T.Ư Đảng – Bí thư Tỉnh ủy
Hà Tĩnh gọi về cho biết Thủ tướng ngỏ ý mời gia đình và đại diện địa phương ra chơi. Ông Hoàng Văn Hợi cùng người em gái là Hoàng Thị Tới rất mừng.
Ông Trần Đình Tiến – Chủ tịch UBND huyện
Cẩm Xuyên thay mặt địa phương sắp xếp công việc đi cùng thân nhân liệt sỹ Hoàng Văn Tợi ra thăm gia đình Thủ tướng. Ra Hà Nội, ngoài ông Trần Đình Đàn còn thêm ông Trần Cẩm Tú – Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng cùng đi.
Tối thứ hai ngày 22/1, Thủ tướng và Phu nhân đã có cuộc gặp mặt thân mật với gia đình liệt sỹ Hoàng Văn Tợi và đoàn cán bộ
Hà Tĩnh trong khoảng thời gian nửa giờ tại nhà riêng.
Thủ tướng còn ôn lại những kỷ niệm năm xưa với đồng đội Hoàng Văn Tợi và một số người quê ở
Nghệ An hiện còn sống mà Thủ tướng đã có dịp về thăm.
Gần đây, chúng tôi trở về gia đình ông Hoàng Văn Hợi ở
Cẩm Xuyên, ông Hợi khoe: Tấm thiếp chúc tết và những phần quà mà Thủ tướng gửi về thắp hương với chiếc phong bì có bút tích của Thủ tướng gia đình lưu giữ trên bàn thờ coi đây là những kỷ vật thiêng liêng.