Tết của người Việt phải có bánh chưng. |
Cách đây 7 năm, người Việt ở Đức muốn gói bánh chưng phải dùng ít lá chuối gói ở trong, còn ở ngoài bọc giấy bạc. Thế đấy, không phải bánh chưng xanh mà là bánh chưng màu bạc.
Sắp đến Tết rồi, nghe vang đâu đây câu hát "Em ơi em mùa xuân đã về trên phố", mình bỗng chạnh lòng buồn nhớ Tết nơi quê hương. Chín năm lấy chồng, 7 cái tết xa nhà rồi. Ở đây không có hoa đào và mưa xuân, nhưng cũng có bánh chưng xanh, để gợi nhớ đến Tết cổ truyền của dân tộc.
Nhớ Tết đầu tiên mình sang đây, ngày ấy cửa hàng châu Á còn hiếm hoi, làm gì có nhiều đồ bán như bây giờ. Các bác có gia đình ở đây lâu năm cũng chỉ mua được gạo nếp Thái Lan hạt dài giống như gạo tẻ, chỉ có điều thơm hơn, để làm bánh chưng bằng ít lá chuối gói ở trong, còn ở ngoài bọc giấy bạc. Thế đấy, không phải bánh chưng xanh mà bánh chưng màu bạc; mình cũng được các bác cho để ăn Tết.
Bên này 6 giờ tối là 12 giờ đêm ở Việt Nam; các gia đình người Việt dù bận mấy cũng làm cơm thắp hương cúng giao thừa. Thế mới biết người Việt mình dù đi đâu ở đâu vẫn cố gắng để tạo ra được hương vị của Tết để nhớ về quê hương.
Mấy năm gần đây, đồ châu Á nhập sang phong phú hơn xưa nhiều. Cứ trước Tết khoảng vài tuần, mình đi chợ đặt lá dong, còn gạo nếp có sẵn rồi không cần đặt. Thế là cũng đủ cả lá dong, gạo nếp cái hoa vàng, đỗ và thịt để làm được một cái bánh chưng xanh thật sự. Chả thế mà gọi điện về nhà kể với mẹ, mẹ vẫn tấm tắc khen ở Tây mà còn gói được bánh chưng.
Ăn Tết còn to hơn tết của mẹ vì có năm cúm gà, mẹ còn chả dám mua gà về cúng giao thừa, còn bên này vẫn mua được cả gà tươi nữa. Ở nhà, mẹ chả cần gói bánh chưng nữa, ra phố mua mấy cái là xong. Ở thành phố bây giờ làm gì còn bếp củi để mà luộc bánh chưng. Nhà cửa chật chội, để gói được bánh thật cũng khó.
Mẹ bảo Tết ở nhà bây giờ cũng đơn giản, con cái thì đi xa hết nên bố mẹ cũng chẳng muốn bày vẽ nhiều. Thấy mẹ nói vậy, mình cảm thấy buồn quá. Chả còn đâu Tết như ngày xưa nữa, bố mẹ con cái quây quần bên nhau. Ngày ấy mình cũng trạc tuổi con mình bây giờ. Ngày 29-30 hỷ hửng ngồi xem bố mẹ gói bánh chưng, đếm từng cái bánh, cây giò. Cứ năm nào nhiều bánh chưng, nhiều giò là khoái lắm.
Ngày 30 Tết, bố dọn dẹp tân trang nhà cửa, còn mẹ và mấy chị em gái thì lo chuyện bếp núc. Đến chiều tối 30, năm nào cũng vậy, mẹ nấu một nồi nước lá có mùi hương của cây rau mùi, cùng mấy loại lá thơm để cả nhà tắm rửa. Rồi mình cũng hồi hộp chờ đợi đến 12 giờ đêm để được đốt pháo, tiếng pháo nghe râm ran sao mà thích thế.
Sáng mồng một ngủ dậy, bố mẹ phát tiền lì xì cho mấy chị em. Ăn uống xong, mẹ lấy ra cho mỗi chị em một bộ quần áo mới. Được mặc quần áo mới sướng quá, cứ ngắm nghía mãi. Rồi chị em cùng bố mẹ đi chúc Tết.
Mấy ngày Tết, mẹ dặn mấy chị em cẩn thận, đừng để đổ vỡ bát đĩa cốc chén sẽ xui cho cả năm. Nhiều thứ phải kiêng kị hơn ngày thường. Ngày ấy, mình cảm nhận Tết có cái gì đó trang nghiêm nhưng lại đầm ấm. Thế hệ 7X như mình có nhiều ấn tượng về Tết xưa của một thời đất nước còn khó khăn.
Những ngày gần Tết này, có lẽ bố mẹ cũng như mình, ngậm ngùi và thầm ao ước được quay trở lại ngày xưa với những cái Tết cả nhà quây quần bên nhau mà bây giờ khó có thể có được nữa, đó là những tháng ngày nghèo khó nhưng thật vui vẻ hạnh phúc.
Thúy Ngân