Người tiêu dùng nên cảnh giác khi chọn mua gia cầm sống. Ảnh: Hoàng Hà. |
Tuy không cấm người dân tự giết mổ gia cầm sống, song theo Cục trưởng Cục Thú Y Bùi Quang Anh, mọi người vẫn nên cảnh giác khi mua gà vịt về nhà tự làm.
Khi mua gà vịt, ngan, ngỗng, nên chọn những con tươi tắn hồng hào, biết chắc là ở trong những vùng không có dịch. Tránh mua gà có nguồn gốc lạ, những con gà ủ rũ, hậu môn dính ướt.
Ngoài ra cũng theo ông Bùi Quang Anh, khi giết mổ gia cầm, người dân đặc biệt lưu ý đến khâu vệ sinh như dùng khẩu trang, găng tay, và không để chất thải vấy bẩn rộng.
Hiện nay cúm gia cầm cơ bản đã được kiểm soát ở miền Bắc, trừ vài ổ dịch nhỏ, rải rác ở thành phố Thái Nguyên. Tuy nhiên trong công điện khẩn ngày 24/1 vừa qua, Bộ Nông nghiệp đã yêu cầu các đơn vị liên quan phổ biến rộng cho nhân dân về việc tuyệt đối không giết mổ, ăn thịt gia cầm ốm, chết, không ăn tiết canh, trứng, thịt nấu chưa chín.
Ông Trần Đáng, Cục trưởng Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm, Bộ Y tế cũng lưu ý nhiều loại dịch có nguy cơ bùng phát trong dịp Tết năm nay như cúm gia cầm, tiêu chảy cấp, vì thế, để có một cái Tết an toàn, người dân chỉ nên mua và sử dụng các thực phẩm sạch, có nhãn mác. Ngoài ra, do đặc thù ngày Tết mọi người thường đi ở nhiều nơi, ăn không thành bữa và thực phẩm thường để lạnh, nên nguy cơ ngộ độc rất lớn, vì thế mọi người nên thực hiện theo các khuyến cáo sau:
- Triệt để ăn chín uống sôi, là cách phòng ngừa tốt nhất
- Thức ăn qua đêm phải nấu lại
- Không nên ăn rau sống tại quán, chỉ ăn rau sống đã được rửa ngập dưới vòi nước chảy
- Không ăn tiết canh, hải sản (ngao, sò, tôm...) sống
- Chưng mắm tôm trước khi ăn
Để chuẩn bị cho Tết, Bộ Y tế đã đề nghị tất cả các bệnh viện đều có trực cấp cứu ngộ độc 24/24, các sở Y tế và trung tâm y tế dự phòng đều có đội trực. Riêng với tiêu chảy, người dân nếu phát hiện có triệu chứng khác thường thì đến ngay các cơ sở y tế chuyên biệt như Viện Lâm sàng các bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, các bệnh viện cấp quận trở lên.
Thuận An