"Năm nào chúng nó cũng hứa đón tôi về mà ba Tết rồi, không thấy đứa nào quay lại", ông Hà Văn San, trại viên Trung tâm nuôi dưỡng bảo trợ người già và tàn tật Thạnh Lộc, quận 12, TP HCM, nói. Nước mắt ứa ra từ đôi mắt mờ đục.
Ông San 83 tuổi, gia nhập Trung tâm Thạnh Lộc, thuộc Sở Lao động thương binh xã hội TP HCM 12 năm nay. Ông già tóc bạc phơ rất kiệm lời, hằng ngày ngồi hút thuốc lặng lẽ một góc sân.
Theo hồ sơ gia nhập trung tâm, ông San còn vợ và 3 người con thành đạt, có vị trí cao trong xã hội và sống tại TP HCM. Người con út đại diện gia đình, đứng tên làm đơn xin gửi ông vào Trung tâm với lý do "vì ba mẹ ly hôn, không có khả năng nuôi dưỡng".
Hồ sơ chỉ ghi nghề nghiệp "cơ khí", nhưng theo các cán bộ trung tâm, có lẽ ông San từng là người có chức tước, nên thỉnh thoảng lại nhận được thư mời họp hội cựu chiến binh, họp mặt truyền thống. Còn ông San cho biết, ông là bộ đội tập kết miền Bắc. Sau ngày thống nhất đất nước, ông đưa cả gia đình về TP HCM.
Tâm sự với một bạn cùng phòng, ông San cho rằng, ngày trẻ có lỗi vì đã ly dị vợ, lại có thời gian nghiện rượu... nên không dám oán trách khi gia đình ruồng bỏ.
"Tôi muốn con hiểu là tôi mong về nhà lắm. Nhưng có lẽ các cháu làm ăn bận rộn quá, nên thi thoảng mới vào thăm được. Năm nào chúng nó cũng hứa đón tôi về, mà đã ba Tết rồi, không thấy đứa nào quay lại. Có lẽ năm nay chúng nó sẽ đón", ông San nói vẻ vừa buồn tủi, vừa hy vọng.
Nhiều cụ coi trung tâm như nhà, bạn già là gia đình. Ảnh: L.H. |
Còn ông Hoàng Văn Minh, 85 tuổi, vừa khóc vừa kể về ba đứa cháu ngoại bội bạc, khiến vợ ông chết vì uất ức, còn ông phải vào sống tại Trung tâm này.
Vợ chồng ông Minh có hai con trai bị bắt đi lính trước năm 1975 rồi chết trận, chỉ còn một con gái. Thời trẻ, ông làm đủ nghề như lơ xe, lái xe, đào giếng để nuôi gia đình. Năm 1952, vợ chồng ông mua được căn nhà trong hẻm Đề Thám, quận 1, TP HCM, và sinh sống tại đó cho tới khi bị các cháu đuổi ra ngoài đường.
Ông Minh cho biết, mọi chuyện bắt đầu từ lúc người con rể vượt biên đi Mỹ. Theo "dụ dỗ" của con gái và các cháu, vợ chồng ông đồng ý sang tên căn nhà cho họ. Rồi cũng chính vợ chồng ông trông coi, xây mới căn nhà đó. Xây xong, con gái ông đề nghị bán nhà, và "trở mặt" với cha mẹ.
"Chúng nó quăng cho vợ chồng tôi 2.000 USD, rồi tuyên bố ba má không còn quyền gì với căn nhà. Chúng tôi không chịu đi thì bị mẹ con nó đày đọa, chửi bới. Có lần chúng xô vợ tôi đập đầu vào tường, té xỉu. Cực chẳng đã, hai thân già phải ra đi", ông Minh vừa hồi tưởng, vừa gỡ chiếc kính lão xuống lau nước mắt.
Cầm số tiền con gái đưa, vợ chồng ông Minh dắt díu nhau sang quận 2, thuê một căn phòng hơn 10 m2. Năm 2001, con gái ông mất. Ông quay lại thì các cháu đã bán nhà với giá gần 100 cây vàng, dùng tiền sang Mỹ với cha. Chỉ còn người cháu út chuyển đi chỗ khác.
|
"Đau lòng nhất là bán nhà xong, chúng nó gửi lại hàng xóm 4 triệu đồng và nhắn số tiền đó đủ mua 2 chiếc áo quan cho vợ chồng tôi. Không còn sức làm việc, vợ chồng tôi đành cầm tiền này để sinh sống", ông Minh nói ngắt quãng vì xúc động.
Quá uất ức, vợ ông Minh ốm liệt giường. Tuyệt vọng, ông Minh uống thuốc ngủ tự tử, nhưng được chủ nhà trọ phát hiện, đưa đi cấp cứu. Nửa tháng sau khi vợ qua đời, ông xin vào trung tâm nuôi dưỡng người già Thạnh Lộc.
Không thể quên cách đối xử tệ, bạc của con cháu. Nhưng Tết đến, ông vẫn mong tin từ gia đình người cháu gái hiện sống ở quận 3, nhưng không có thông tin cụ thể.
"Các cháu đều do hai vợ chồng tôi chăm sóc nuôi nấng, tổ chức cưới cho mà nỡ đối xử với chúng tôi như thế. Nhưng tôi sẵn lòng tha thứ, tôi nhớ chúng nó lắm. Giá mà liên lạc được, tôi sẽ nói ông bỏ qua hết, để chúng đón tôi về, cho tôi biết mặt các chắt", ông Minh bày tỏ.
Còn cụ bà Trần Thị Loan, 87 tuổi, quê ở Thái Bình, vào Trung tâm đã ba năm. Mồ côi cha mẹ, bà Loan lưu lạc lên Hà Nội từ nhỏ, làm công nhân bốc vác, rồi lấy chồng, sinh được một con gái, sống tại huyện Đông Anh. Chồng mất sớm, bà không đi bước nữa, ở vậy nuôi con khôn lớn.
"Vậy mà con gái vào hùa với thẳng rể, bạc đãi mẹ. Không chịu nổi, tôi lang thang vào Sài Gòn, đi ăn xin, gặp đâu ngủ đấy, rồi được chính quyền gom về đây. Các anh chị ở trung tâm đã báo cho con gái tôi nhưng nó chỉ nói bà tự đi thì cũng tự về được. Buồn lắm...", bà Loan thở dài.
Những cảnh đời như ông San, ông Minh, bà Loan không cá biệt tại Trung tâm Thạnh Lộc. Hơn 500 trại viên hầu hết là người già neo đơn, hoặc bị con cháu bạc đãi, bỏ nhà đi lang thang xin ăn, rồi được chính quyền gom lại.
Người già tại Trung tâm Thạnh Lộc trang trí phòng đón Tết. Ảnh: L.H. |
Ông Lê Công Hùng, Giám đốc Trung tâm cho biết, dịp Tết nào cơ sở này cũng tổ chức hoạt động vui chơi, giải trí, nhằm giúp các cụ quên đi nỗi buồn, sự cô đơn nhưng "lực bất tòng tâm".
"Xem chương trình nào các cụ cũng chỉ cười cười như động viên những người tổ chức, rồi lùi ra một góc ngồi lặng lẽ. Đêm giao thừa, cứ đến lúc Chủ tịch nước đọc thư chúc Tết là số đông các cụ khóc òa lên. Nhiều cụ lôi hình ra lẩm nhẩm gọi tên con cháu, rất thương tâm", ông Hùng nói.
Theo ông Hùng, Trung tâm thường liên hệ với gia đình vận động đưa các trại viên về đón năm mới, song năm nhiều nhất cũng chỉ có trên 10 cụ toại nguyện.
Nhưng các cụ chỉ bộc lộ khao khát được hồi gia với người tư vấn tâm lý của Trung tâm. Nhiều người không nói thật hoàn cảnh mà kể những câu chuyện tưởng tượng về việc hiếu nghĩa của con cháu, khi có khách đến thăm. Thực tế, hầu hết cụ già đến chết cũng không có người thân đến nhận, dù được báo tin.
Tết về, cán bộ, nhân viên của Trung tâm Thanh Lộc phân công nhau ở lại vui Tết cùng các cụ, kể cả đêm giao thừa với mong muốn phần nào giúp các cụ tạm quên nỗi nhớ gia đình.
Lan Hương
* Tên nhân vật trong bài đã thay đổi.