Chị Thơm (23 tuổi, Hà Nam) sẽ ăn Tết Mậu Tý trong bệnh viện. Ảnh: T.N. |
"Mừng vì con trai sắp ra đời, nhưng nhớ bé gái đầu quá. Gọi điện, nó bảo mẹ ơi về ăn Tết với con" - chị Tuyết, đang nằm theo dõi tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương, vừa cười vừa đưa tay quệt nước mắt.
Chị Nguyễn Thị Tuyết (27 tuổi, người Hà Nam) đang mang thai tuần thứ 36. Chị nằm ở khoa Sản 1 Bệnh viện Phụ sản Trung ương hơn 10 ngày nay do bị chảy máu, dọa đẻ non. Bác sĩ cho tiêm thuốc trì hoãn, tuy nhiên em bé có thể ra đời bất cứ lúc nào xung quanh dịp Tết này.
"Tôi đã xác định là đón giao thừa ở bệnh viện rồi" - Tuyết nói. Chồng chị đang về quê thăm mẹ và con gái, sau đó sẽ quay lại cùng vợ chờ con chào đời. Giờ này những năm trước, chị đang tất bật chuẩn bị Tết với đại gia đình chồng. Còn năm nay, chị phải nằm trên giường, hạn chế đi lại, giải trí bằng cách "buôn dưa lê" với bạn cùng phòng khi không quá mệt.
Bác sĩ nói em bé trong bụng vẫn ổn nên chị Tuyết không quá lo lắng, chỉ hồi hộp chờ đón niềm hạnh phúc được làm mẹ lần nữa. "Nhưng buồn nhớ con gái quá. Ở nhà, nó cứ theo mẹ suốt ngày, đi đâu cũng bám nhằng nhằng không rời nửa bước" - Tuyết quệt nước mắt.
Cách đó mấy phòng, chị Bùi Thị Thơm đang nửa mừng nửa lo khi mới đi siêu âm trở về: "Bác sĩ bảo em bé đã được 2,8 kg rồi, đúng ra thì ngoài Tết mới sinh, nhưng nếu có vấn đề gì thì mổ trong Tết cũng được". Thơm đã mang thai được 37 tuần, nằm viện cả tháng nay sau mấy lần bị ra máu vì chứng rau tiền đạo.
Mới 23 tuổi nhưng người phụ nữ xinh đẹp này đã có con gái 3 tuổi, đang ở với bà nội ở quê. Bố mẹ đi vắng, Tết này sẽ chỉ có hai bà cháu đón giao thừa với nhau. Nhắc đến con, Thơm nghẹn ngào: "Em gọi điện, nó dặn mua khuyên tai. Con bé mới tí tuổi mà đã biết điệu. Nó nói suốt ngày".
Cũng phải đón Tết trong bệnh viện nhưng chị Minh, 25 tuổi, lại nói cười luôn miệng. Nhà chị ở Vĩnh Tuy, Hà Nội nên gia đình có thể thăm thường xuyên, đưa cơm nước vào cho. Do bị tiền sản giật, chị phải theo dõi ở bệnh viện và có khả năng sinh trong mấy ngày Tết: "Tết ở bệnh viện dĩ nhiên trăm thứ thiếu thốn, nhưng việc đó cần cho con nên tôi không buồn. Dù lo lắng, tôi hạnh phúc vì đứa con đầu lòng sắp ra đời".
Mặc dù đã 28 Tết nhưng khoa Sản 1, nơi tập trung các trường hợp thai bệnh lý, vẫn quá tải. Gần 90 sản phụ nằm trên hơn 60 giường. Các bác sĩ cho biết ngày 29 sẽ cho gần 20 bệnh nhân "nghỉ phép" ăn Tết vài ngày với gia đình, nghĩa là sẽ có gần 70 người bắt buộc ăn Tết tại viện.
28 Tết, nhiều sản phụ đang chờ sinh tại Bệnh viện Từ Dũ, TP HCM. Ảnh: Thiên Chương. |
Ở TP HCM, các bệnh viện cũng rất đông sản phụ phải trải qua Tết Mậu Tý trong phòng chờ sinh. Tại Bệnh viện Từ Dũ, theo Phó giám đốc Hà Thị Thanh Thủy, trong 3 ngày Tết, có ít nhất 300 sản phụ phải nằm chờ sinh hoặc chờ xuất viện. "Người Sài Gòn thì dễ, đến giờ đau bụng chỉ cần gọi taxi đến viện, sinh xong có thể xin về sớm. Nhưng người dân ở tỉnh xa thì ăn Tết tại đây là điều không tránh khỏi", bác sĩ Thủy nói.
Anh Lê Hồng Minh, ở Cà Mau, chuẩn bị đồ lên TP HCM cùng vợ từ ngày cúng ông Táo song đến nay, chị vẫn chưa sinh. "Vợ tôi bị bệnh tim nên không dám sinh tại tỉnh. Chắc Tết này phải mang cả dưa kiệu, bánh tét vào viện thôi", anh Minh nói.
Vì muốn được về ăn Tết với gia đình nên nhiều sản phụ ở Bệnh viện Phụ sản Hùng Vương từ chỗ có ý định sinh mổ đã xin chuyển sang sinh thường. "Mổ thì phải nằm viện đến 4-5 ngày nên tôi quyết định sinh thường, đau cũng mặc, miễn sao về được với gia đình, Tết mà phải nằm viện thì buồn lắm", chị Thục Uyên, ở quận Tân Bình, TP HCM, tâm sự.
Để động viên những bệnh nhân phải xa gia đình trong thời khắc thiêng liêng của năm, các bệnh viện đều có chương trình thăm hỏi, chuẩn bị bánh chưng và mứt kẹo... cho sản phụ. Anh Hoàng, bảo vệ Bệnh viện Hùng Vương, cho biết Tết tại đây thường rất vui vì cũng là bệnh viện nhưng đây là nơi chờ đón những đứa trẻ. Người ở các phòng hội tụ bên "mâm tiệc", thi thoảng còn có tiếng chạm ly, nhưng là nước tinh khiết hoặc nước ép hoa quả, vì bệnh viện nghiêm cấm sử dụng rượu, bia.
Những gia đình có điều kiện cũng cố gắng tổ chức Tết cho người mẹ trong bệnh viện một cách ấm cúng nhất. Ông Nguyễn Tính, Giám đốc một công ty dịch vụ nhà đất ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, là một ví dụ.
Chúc Tết nhân viên, bạn bè từ 25 tháng Chạp để khăn gói vào viện cùng vợ, ông Tính mang theo cả lô bánh mứt, một bộ ấm chén để pha trà tự thưởng thức và đãi khách đến thăm: "Sinh con trong năm xem như nhà có lộc, đó là điềm may, cho nên ăn Tết ở viện cũng không thành vấn đề", ông Tính nói.
Do kinh tế khó khăn, người thân không ở gần, rất nhiều sản phụ từ các tỉnh xa phải đón một cái Tết đạm bạc và vắng vẻ trong bệnh viện, nhưng họ không lấy đó làm nỗi phiền muộn. Chị Nga, một sản phụ người Thái Bình đang nằm ở Bệnh viện Phụ sản Trung ương, là một ví dụ. Chồng chị đang tranh thủ về lo Tết cho mẹ già, con nhỏ, có thể đến mùng 1 mới lên được với vợ. Ít tiền, chị cũng sẽ không dám mua gì ngoài suất ăn thông thường.
Nga nói: "Con tôi sắp ra đời, điều đó mới quan trọng. Vì vậy, cái Tết ở bệnh viện lần này sẽ là cái Tết đáng nhớ, đáng quý nhất trong đời tôi!"
Hải Hà - Thiên Chương