Hơn 21h, ôtô mới từ từ rẽ vào quán cơm ThTh, quốc lộ 1A, Xuân Lộc, Đồng Nai. Từ tài xế đến phụ xe nhao nhao: “Xuống ăn tối! Không ai được ở lại trên xe”. Nhiều trẻ em và phụ nữ mặt bơ phờ vì say, ngồi phệt xuống mặt đường.
19h, ô tô đi Thanh Hóa - Hà Nội - Bắc Giang vẫn chưa ra khỏi Đồng Nai dù đã chạy được 2 giờ, hành khách ai cũng đói meo, một chị gọi toáng: “Bác tài ơi, quán cơm khu này nhiều quá, cho xuống ăn đi, trẻ con đói đến bẹp cả người ra rồi”. Bin bin bin, tiếng còi như xé tai, âm thanh từ đầu xe vọng lại bực dọc: “Không, lát nữa ăn luôn thể, giờ chưa đói!”, tài xế nói.
Mãi đến hơn 21h, ô tô mới từ từ rẽ vào quán cơm ThTh, quốc lộ 1A, Xuân Lộc, Đồng Nai. “Dậy, dậy, vào quán có ghế ngồi. Không ai được đứng ngồi ngoài sân”, hai thanh niên đẩy mạnh vào vai khách gằn giọng.
Quang cảnh nơi rửa chén bát rất mất vệ sinh tại một quán cơm ở huyện Hoài Nhơn, Bình Định. Ảnh: Tuổi Trẻ. |
Một thanh niên mặc áo đỏ, tóc dài gần chấm vai, quát to: “Vào đi, sao còn đứng đó?”. Khi khách trả lời: “Say quá, cho thở khí trời một tí” thì thanh niên áo đỏ trừng mắt: “Muốn thở thì vào trong nhà ngồi ghế mà... thở. Không được đứng đây”.
Thấy quầy hàng chỉ có ba thau thịt kho trứng, thịt kho nước và thịt kho màu lình bình, không muốn ăn, khách quay ra nhưng một cô gái khác chặn ngang hỏi tới tấp: “Gọi gì, nhanh lên”. Thấy khách phân trần “Mình không biết ăn thịt lợn, còn món gì khác để ăn không?”. Những người phục vụ và chủ quán quay phắt lại nhìn.
Tại bàn bên cạnh, mẹ con hành khách người Vĩnh Phúc đi cùng chuyến xe dù rất đói, nhưng không thể nuốt trôi bốn đĩa cơm thịt kho đậu hũ. Người mẹ nói như khóc: “Cơm gì mà đắt quá, đến 20.000 đồng/đĩa, mẹ con tôi mất đứt gần trăm nghìn đồng mà không nuốt trôi. Tôi làm phục vụ chỉ 600.000 đồng/tháng, nuôi con không đủ, tiền xe cố gắng tiết kiệm lắm cũng mất gần 2 triệu đồng, phải ăn với giá “cắt cổ” thế này”.
Khoảng 30 phút sau có 4 xe chạy ra các tỉnh phía Bắc (dán nhãn Giáp Bát, Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh) cũng bị lùa vào quán theo kiểu tương tự. Quán có đến hàng trăm hành khách, hầu hết là lao động nghèo. Ai cũng tiết kiệm từng đồng, nhưng không thể không gọi cơm hay một món nào khác vì ngại và sợ. Một công nhân bức xúc: “Cơm nguội lạnh, thức ăn vớ vẩn thế này tại Sài Gòn 3.000 đồng/đĩa không ai ăn, chứ đừng nói giá 20.000 đồng/đĩa”.
2007 sẽ có các trạm nghỉ thay thế quán 'cơm chém'
Từ tháng 6/2003, Bộ Giao thông Vận tải đã yêu cầu chuẩn bị kế hoạch xây dựng các trạm nghỉ cho ôtô và khách đi xe trên quốc lộ 1. Tháng 1/2004, Thủ tướng cũng có chỉ thị về việc xây trạm nghỉ trên quốc lộ để ngăn chặn nạn “cơm tù”. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có trạm nghỉ nào.
Ông Nguyễn Văn Thanh khẳng định chưa nhận được phản ánh về tình trạng cơm tù. "Có hiện tượng đó, bà con cứ phản ảnh vào số di động của tôi là 0913.203558. Chúng tôi rất mong hành khách khi phát hiện cơm tù hoặc xe chở quá người hãy gọi cho cảnh sát 113 hoặc Cảnh sát giao thông địa phương", ông nói. |
Ông Nguyễn Văn Thanh, Cục phó Đường bộ giải thích, khi Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông (TEDY) công bố quy hoạch xây trạm nghỉ trong năm 2003 trên các quốc lộ chính theo đề án của Cục Đường bộ thì có nhiều ý kiến sợ... xe không vào, vì trạm không nằm ở khu vực đô thị, thị tứ. Các doanh nghiệp cũng e ngại như vậy nên 6 trạm dự kiến xây từ Hà Tĩnh đến Phú Yên vẫn chưa có.
Ông Thanh khẳng định 2007 sẽ xây các trạm nghỉ. Công ty Mai Linh đã làm việc với các tỉnh miền Trung trở vào để xây lần lượt 50 trạm trong năm 2007. Cơ quan Hợp tác quốc tế của Nhật Bản (JICA) đã hợp tác với Cục Đường bộ để quy hoạch, xây dựng 3 trạm mẫu. Cụ thể, tháng 5/2007 bắt đầu xây ba trạm nghỉ theo tiêu chuẩn của JICA ở Bắc Giang, Ninh Bình, Hòa Bình. Mai Linh cũng khởi công ở Lao Bảo (Quảng Trị) và một số trạm trên quốc lộ 1...
(Theo Tuổi Trẻ)