Một ngày trước Noel không khí đón giáng sinh đã rộn ràng trên nhiều đường phố, trung tâm thương mại, văn phòng các công ty ở Hà Nội và TP HCM. Tại nhiều nơi, tiểu cảnh về Giáng sinh được dựng lên, khiến không gian chung trở nên lộng lẫy, sinh động hơn.
Một tiểu cảnh được dựng tại sân Thánh đường Bình Thái, quận 6, TP HCM. Ảnh: T. Nga. |
Dọc 2 bên đường Phạm Thế Hiển, phường 6, quận 8, một "xóm đạo" của TP HCM, giăng hai dãy sao lấp lánh, gắn hình Chúa và biểu tượng các truyền thuyết liên quan. Hầu hết người dân khu vực này theo đạo. Hôm nay, nhiều gia đình dành thời gian trang hoàng nhà cửa hoặc tới nhà thờ, tình nguyện tham gia công tác chuẩn bị ở thánh đường. Nhiều tiểu cảnh hoành tráng, huyền bí về Giáng sinh được các họ đạo thiết kế trước nhà dân, khiến du khách có thể nhận ngay ra khung cảnh rất đặc trưng của xóm đạo này.
Theo ông Nguyễn Bình Thuận, Trưởng Ban phục vụ giới trẻ của Thánh đường Bình Thái, các chương trình Lễ Giáng sinh của Bình Thái đã lên kế hoạch cách đây 3 tháng và bắt đầu thực hiện từ ngày 10/12. Tham gia thực hiện mỗi chương trình có 30-40 người. Ông Thuận là một luật sư, khá bận bịu với công việc đời thường nhưng từ 10/12, các ngày thứ bảy, chủ nhật, ông đều dành làm việc trong nhà thờ.
Đến nay, công tác chuẩn bị lễ ở Thánh đường Bình Thái đã hoàn tất, với 3 tiểu cảnh về Chúa Giáng sinh và 1 sân khấu dành cho ca nhạc. "Noel năm nào cũng có nhưng mỗi lần chuẩn bị lễ, tôi đều có cảm giác nao nức mới mẻ. Thông thường đêm Noel, giáo dân và du khách sẽ tập trung rất đông ở các nhà thờ xóm đạo này. Vì vậy, chúng tôi đang cố gắng để ngày lễ diễn ra tốt đẹp nhất", ông Thuận bày tỏ.
Hội đồng giáo xứ Bình An, TP HCM đang hoàn tất công tác chuẩn bị đón Giáng sinh. Ảnh: T.Nga. |
Còn ông Nguyễn Cư Dân, Chủ tịch Hội đồng Giáo xứ Bình An, cũng đường Phạm Thế Hiển, quận 8, tỏ vẻ lo ngại vì mùa Noel năm nay, nước triều dâng quá cao, ảnh hưởng tới công tác chuẩn bị lễ và sinh hoạt của giáo dân.
Theo ông An, thông thường mọi năm, triều chỉ gây ngập đường 20-30 cm, công tác chuẩn bị lễ có thể hoàn tất từ ngày 20/12. Nhưng năm nay, đường ngập 60-70 cm, đi lại khó khăn, nhiều hoạt động bị đình trệ. Giáo xứ Bình An vừa đổ đất, nâng sân nhà thờ lên khoảng 1 m, đảm bảo mặt bằng khô ráo để xây dựng các tiểu cảnh mừng Giáng sinh và giúp người dân, du khách dự lễ thuận tiện.
"Đến trưa nay, công tác chuẩn bị lễ coi như xong. Nhưng chúng tôi vẫn lo, tối mai, nếu triều vẫn dâng cao, giáo dân đi dự lễ sẽ rất vất vả. Mọi người trang phục đẹp mà phải xắn quần, ôm giầy dép, lội nước đến nhà thờ. Theo quy luật, ngày hôm sau triều lên chậm hơn hôm trước chừng 1 tiếng và nước ngập khoảng 4-5 tiếng đồng hồ. Như vậy, giờ làm lễ năm nay có thể nằm trọn trong thời gian triều cường", ông An nói.
Trang phục ông già Noel dành cho trẻ em rất đắt hàng ở TP HCM. Ảnh: T.Nga. |
Không gian ngập tràn không khí đón Giáng sinh khiến nhiều người dân và du khách TP HCM cảm thấy hồ hởi. Bà Nguyễn Thị Kim Liên, một giáo dân từ tỉnh Bắc Ninh vào thăm người thân ở TP HCM, trầm trồ: "Noel ở đâu cũng sôi động nhưng TP HCM thì náo nhiệt hơn và trang trí đẹp hơn hẳn".
Còn bà Susanna Merrimee, tình nguyện sang Việt Nam dạy chữ cho trẻ khiếm thính, rất ngạc nhiên khi thấy người dân thành phố không chỉ trang trí Noel trong Thánh đường, trong nhà mà cả ngoài phố. "Không khí Giáng sinh không chỉ dành cho giáo dân mà dường như lan sang mọi người dân", bà Susanna Merrimee nói. "Cảnh tượng nơi đây giúp tôi nhớ ý nghĩa Giáng sinh hơn và tôi thấy rất cảm động. Ở Mỹ, Giáng sinh người ta thường đến thăm nhau, tặng quà cho nhau và không nhắc đến ý nghĩa Giáng sinh nhiều".
Không phải là giáo dân nhưng sinh viên nói riêng và giới trẻ TP HCM nói chung cũng rất háo hức chờ Giáng sinh. "Năm nào đến ngày Noel, khoảng 9h tối, em và các bạn đều rủ nhau ra phố, xem lễ ở các nhà thờ", Nguyễn Thị Ngọc Mai, sinh viên năm cuối khoa Kế Toán, ĐH Kinh tế TP HCM, cho biết.
Trong khi đó, sảnh Nhà thờ Lớn Hà Nội được trang hoàng một cây thông Noel khổng lồ cao gần 8 m, hang đá đắp nổi cao gần 10 m với hình ảnh máng cỏ, chúa Giuse và những thiên thần... Ở đây thường tập trung khá đông người đến chụp ảnh, không thiếu những du khách nước ngoài.
Tay dắt 2 đứa trẻ, chị Thu Hương, phường Hàng Bài, cho biết, mặc dù không theo đạo Thiên chúa song những ngày Giáng sinh chị đều đưa bọn trẻ đi chơi, mua đồ chơi. "Đi tham quan nhà thờ công giáo giúp bọn trẻ hiểu hơn về đạo Thiên chúa, cũng là dịp nghỉ ngơi giải trí cho con trẻ", chị Hương nói.
Sảnh Nhà thờ Lớn Hà Nội. Ảnh: Đoàn Loan. |
Điểm mới năm nay là Nhà thờ Lớn giới thiệu nhiều tài liệu về Đạo Thiên chúa trên thế giới, những hình ảnh thánh lễ, trưng bày dọc trên vỉa hè cạnh lối vào sân chủng viện thánh Giuse, giúp mọi người hiểu rõ hơn về đạo Thiên chúa.
Vào tối ngày 24/12, Tòa giám mục Hà Nội sẽ tổ chức lễ Noel quy mô nhất từ trước đến nay. Thay vì tổ chức trong nhà thờ như trước đây, Lễ Giáng sinh năm nay sẽ diễn ra tại sân chủng viện. Từ 8h30 đến 11h30, tại đây sẽ có màn hát thánh ca mừng Chúa với hơn 300 người tham dự. Lúc 12h đêm, đức Tổng giám mục giáo phận HN Ngô Quang Kiệt sẽ chủ sự thánh lễ Mừng Chúa giáng sinh.
"Với người công giáo, việc cùng nhau tổ chức lễ Noel như là món quà dâng Chúa Hài đồng. Còn những người không theo Đạo, nhất là giới trẻ thì đã trở thành một đêm giao lưu văn hoá", một giáo dân nhận xét.
Tại các khách sạn lớn, trung tâm thương mại ở Hà Nội, không khí Giáng sinh cũng tràn ngập. Trung tâm thương mại Vincom rực rỡ với cây thông cao gần 6 m, đàn tuần lộc, những gói quà tặng... Nhiều em nhỏ đến đây khá thích thú khi được xem các ông già Noel, công chúa Tuyết biểu diễn xiếc và tặng quà trên mỗi tầng của toà nhà. Vào tối Noel 24/12, Vincom sẽ tổ chức chương trình ca nhạc tạp kỹ mang đậm màu sắc Giáng sinh và năm mới tại sảnh tầng 1.
Thời điểm này, nhiều trung tâm thương mại đều bán hàng khuyến mại, giảm giá hoặc tặng quà nhân dịp Giáng sinh. Trên các tuyến phố Hàng Mã, Lương Văn Can, các mặt hàng cho ngày Giáng sinh như mũ, bộ quần áo ông già Noel, cây thông, dây hoa trang trí... bán rất chạy.
Lương Nga - Đoàn Loan