Dạo siêu thị hơn 2 giờ đồng hồ, chị Đinh Hiền xách nặng dưa kiệu, thịt lợn, bánh mứt, nhang đèn... Thêm một lần đi chợ là chị hoàn tất những món thiết yếu cho 3 ngày Tết.
Chị Hiền dự định sẽ mua thêm cặp bánh chưng, bánh tét và hoa quả vào ngày 30 âm. Năm nào cũng vậy, chị chỉ cần vài giờ đi chợ và một buổi nấu nướng là đã có thể chuẩn bị đầy đủ cho Tết. Lý do khiến chị phải chuẩn bị thật nhanh gọn là vì nhà cửa chật chội, không có chỗ để phơi dưa hành, củ kiệu, không có nơi nấu bánh, lại phải đi làm nên không có nhiều thời gian.
Thức ăn Tết ở TP HCM được bày bán sẵn tại các chợ. Ảnh: Thiên Chương. |
Tết Sài Gòn cũng phải có bánh tét, mâm ngũ quả gồm các loại trái cây "Cầu - Sung - Dừa - Đủ - Xoài", cành mai, bánh mứt, hạt dưa, bình trà pha thật đậm, nhưng cảnh thức thâu đêm nấu bánh tét, bánh chưng hay cặm cụi ngồi nhặt kiệu làm dưa, nay ít thấy với Sài Gòn. Thậm chí cũng không ai dự trữ thức ăn dài ngày như trước kia. Chợ thậm chí bán cả mồng 1 Tết, hết thức ăn lúc nào thì mua lúc ấy.
Chị Minh Bích, nhân viên một công ty bảo hiểm tại quận 3, cho biết, do gia đình đơn chiếc, vợ chồng lại phải đi làm đến tận 29 Tết nên "đơn giản nhanh gọn" đã là phong cách ăn Tết từ bao năm nay. Còn theo ông Nguyễn Hữu Tri, nhà ở Học Lạc, quận 5, chỉ cần nhấc máy điện thoại là có tất cả cho mâm cỗ Tết từ gà, lợn để cúng tết cho đến các món ăn khác như giò chả, tôm khô củ kiệu, rượu bia...
Một số gia đình còn không có thời gian để dọn dẹp trang hoàng nhà cửa, người dân chỉ cần gọi điện thì đã có các dịch vụ đến tận nhà. Từ sơn lại cái cổng, quét vôi căn nhà cho đến lau chùi lư đồng trên bàn thờ, giặt giũ mền mùng...
Nhanh gọn nhưng thức ăn và mâm cúng ông bà ngày Tết của người Sài Gòn phải đầy đủ tinh tế.
Quan niệm xưa của người miền Nam nói chung và người Sài Gòn nói riêng vẫn còn được lưu giữ đến ngày nay là, ngày tết thịt cá phải đầy mâm.
Một món không thể thiếu là nồi thịt kho tàu. Nồi thịt này được xem như thức ăn chính trong ba ngày xuân. Nhà nào có được nồi thịt to, được xem như khá giả, có ăn có để.
Người nấu mua thịt đùi hoặc lưng lợn cắt từng miếng to, vuông vức, khoảng 4 cm, sau đó ướp hành củ, tỏi, ớt, muối, nước mắm cho vào nồi kho với một quả dừa xiêm để món thịt kho có màu đỏ và nước thịt thơm ngọt. Thịt vừa có nạc có mỡ mới ngon. Thịt kho tàu thường kho có vị nhạt, người khéo tay kho miếng thịt chín nhưng không nát. Nhiều nhà còn cho thêm cả chục trứng vịt luộc vào nồi kho chung với thịt. Thịt kho tàu thường ăn kèm với dưa giá, dưa kiệu. Một số người ăn thịt với cơm trắng, số khác lại cuốn thịt với rau sống, bánh tráng và chấm với chính nước thịt. Nếu ăn cơm, cơm thường được nấu bằng loại gạo đắt tiền hơn ngày thường, vừa thơm vừa dẻo.
Ngoài lợn kho, người Sài Gòn còn thích ăn gà luộc. Thực ra, món gà dùng để cúng trước rồi ăn sau. Dù mới trưa 27 tháng chạp, ông Hữu Hưng nhà ở quận 1 đã mua sẵn 4 con gà dành cho 4 ngày tết. Ông cho biết, từ chiều 30 Tết, ông luộc một con gà và bày thức ăn để cúng rước ông bà tổ tiên về ăn Tết cùng gia đình. Lễ cúng giao thừa đón năm mới sẽ được bày lên mâm và thường cúng ngoài trời hoặc trước hiên nhà. Vật cúng gồm hoa quả, bánh mứt. Mỗi ngày ông đều thịt một con gà để mời tổ tiên cùng vui xuân. Đến mồng 3, ông Tri lại cúng tiễn ông bà về "trời".
Gà sau khi cúng sẽ được xé ra trộn dấm kèm hoa chuối, bắp cải tươi thái mỏng, thêm rau răm và các loại rau thơm khác. Chả giò, món ăn chế biến nhanh gọn giống như nem rán ở miền Bắc cũng là món ăn được người Sài Gòn ưa thích trong ba ngày tết.
Ngày nay, ngoài thịt, nhiều gia đình còn "thủ" sẵn trong tủ lạnh một số khô, mắm. Theo họ, khô, mắm tuy không thể hiện sự sung túc nhưng lại làm thay đổi khẩu vị giúp người ăn không thấy ngán. Khô được chọn thường là khô cá sặc, khô lóc hoặc tôm khô. Mắm là mắm cá lóc thái nhỏ trộn đu đủ non hoặc mắm cá linh thái nhỏ ăn với khoai mì luộc... Món này được ăn kèm với dưa leo, rau sống và được người dân Hóc Môn, Củ Chi, Cần Giờ ưa chuộng.
Món ăn tráng miệng trong ngày Tết thường là dưa hấu. Dưa sau khi trưng trên bàn thờ, sẽ được bổ vào ngày đầu năm. Sáng mồng 1 bổ được quả dưa đỏ au được xem là điềm may, nên chủ nhà thường chọn quả dưa to và chắc ruột. Còn thức uống thường là bia và nước ngọt.
Tuy nhiên, tại Sài Gòn cũng có một số người chẳng cần nấu nướng mà chỉ cần nấu ăn ngày mồng 1, những ngày sau đó kéo luôn ra nhà hàng để chọn thức ăn theo ý thích. Ngày Tết, trừ mồng 1, còn lại hầu hết hàng quán đều mở cửa đón khách. Giá cả tuy hơi đắt hơn ngày thương nhưng cũng không đáng là bao.
Quây quần bên người thân trong ngày Tết. Ảnh: Thiên Chương. |
Truyền thống sum họp ngày tết dần mai một nhưng nhiều gia đình tại Sài Gòn vẫn duy trì. Mồng 1 Tết, người Sài Gòn ít dám đi đến nhà người lạ vì ngại tục xông đất (một số người quan niệm, đi đến nhà ai mà năm đấy người ta làm ăn không tốt là tại mình) mà chỉ đến thăm hỏi bà con họ hàng. Trẻ con chúc người lớn mạnh khỏe, sống lâu, may mắn gọi là "làm tuổi". Người đáp lại bằng việc "lì xì" tức là cho tiền vào phong bao giấy đỏ. Thông thường, xong ngày mồng 1, con cháu mới có quyền tự ý đi chơi.
Nhiều cặp vợ chồng trẻ lập nghiệp ở Sài Gòn nhưng còn bố mẹ và người thân ở quê, tết là dịp để họ được đoàn tụ. Chị Phương Liên, nhà ở quận 7 tâm sự, dù tất bật đến mấy, thì vợ chồng chị cũng phải tranh thủ về Vĩnh Long để các cháu thăm ông bà Ngoại. "Tết nhất mà không được gặp cha mẹ cảm thấy mình có lỗi", chị Liên nói.
Đi du lịch vào dịp xuân cũng là xu hướng được nhiều gia đình lựa chọn. Thời gian khởi hành và đi du lịch ở đâu tùy thuộc vào số ngày nghỉ trong tết và điều kiện kinh tế của mỗi nhà. Thế nên sẽ không phải ngạc nhiên nếu như ai đó nhìn thấy cảnh những ngôi nhà trên phố đóng cửa im ỉm từ mồng 2 đến mồng 4 tết.
Theo các công ty du lịch, lượng người Sài Gòn đi du lịch năm nào cũng đông. Các tour thường được chọn là Đà Lạt, Vũng Tàu, Phan Thiết, vì đây là những điểm du lịch không quá xa, không mất nhiều ngày.
Chị Huỳnh Minh Thảo, làm việc ở một công ty địa ốc, cho biết, gia đình chị đã lên kế hoạch từ lâu. Khi ấy, cả nhà cùng bàn luận về điểm đến, rồi chọn tour, đặt phòng sớm kẻo hết chỗ. "Mấy năm trước, chúng tôi đi du lịch nước ngoài, nhưng năm nay vì phải chi một khoản khá lớn cho con gái du học nên chọn Đà Lạt làm điểm đến trong ba ngày xuân", chị Thảo nói.
Không có cảnh vui chơi kéo dài, với người Sài Gòn, hết mồng 3 xem là hết tết. Mồng 4 là ngày nghỉ ngơi để chuẩn bị cho một năm làm việc mới. Khi đi làm trở lại, họ có thú vui kể cho nhau nghe chuyện chơi tết của gia đình mình. Người Sài Gòn còn có một thú vui khác là mang những thứ bánh mứt còn lại trong Tết vào công sở để vui xuân cùng đồng nghiệp. Tiếng cắn hạt dưa hạt bí tí tách sau tết vì thế, được xem như một nét văn hóa Tết của người Sài Gòn.
Thiên Chương