Ngày làm việc đầu năm của không ít người bị mất hẳn hưng phấn vì đụng phải giá cao ngất ngưởng của các hàng ăn, dịch vụ sau Tết. Có người còn cho rằng, những ngày này tốt nhất nên đóng cửa ngồi ở nhà.
Anh Huy, nhân viên một công ty ở Vạn Bảo, đi làm sáng mùng 5 Tết. Tìm mỏi mắt mới được một hàng bún mọc. Ăn xong rút ví trả, "20.000 đồng", chị chủ thản nhiên phát giá. Anh trợn tròn mắt ngạc nhiên, nhưng sau một phút cũng kịp trấn tĩnh lại, "Tết mà! Rút ví trả mà xót hết cả ruột, bình thường bát bún như thế chỉ 7.000-10.000 đồng là cùng", anh nói.
Theo quan niệm của nhiều người, năm nay mùng 6 mới là ngày đẹp để mở hàng. Dạo quanh phố phường Hà Nội sáng mùng 5, có rất ít cửa hiệu mở cửa. Một số công ty khai xuân sớm từ mùng 5, thì việc tìm nơi ăn trưa của nhân viên trở thành quá khó.
Chị Liên, nhân viên một công ty ở Ba Đình cho biết, chị cùng hai đồng nghiệp đi lòng vòng gần nửa tiếng đồng hồ mới tìm thấy một quán ăn mở cửa. Vào gọi món thì bà chủ cho biết, mới mở hàng nên chưa chuẩn bị được gì, có duy nhất một món là mỳ tôm. Không còn lựa chọn nào khác, các chị đành ăn tạm. Mỳ tôm trứng, 25.000 đồng một bát, nghe cái giá trên trời mà cả ba lắc đầu ngán ngẩm. "Thôi coi như đầu xuân "bấm bụng" mừng tuổi cho bà chủ", chị Liên cười.
Một bát phở như thế này bình thường có giá khoảng 10.000-15.000 đồng, nhưng những ngày sau Tết có thể lên đến 25.000-30.000 đồng. Ảnh: Hoàng Hà |
Không chỉ hàng ăn uống, giá các loại dịch vụ khác như cắt tóc, gội đầu, đánh giày, rửa xe... cũng được dịp tăng chóng mặt. Anh Thành vừa uống cốc cà phê sáng có 8.000 đồng, nhưng phải rút ví trả 10.000 đồng tiền công đánh một đôi giày. Theo cậu bé đánh giày thì giá đấy còn "hữu nghị chán", vì mấy ngày giáp Tết cậu đánh 15.000-20.000 đồng một đôi. Cậu cười: "Chúng em cũng chỉ kiếm ăn được mấy ngày này thôi, coi như đầu xuân các anh lì xì cho em".
Sau buổi làm việc đầu xuân, chị Quyên, tìm đến quán gội đầu cho thư thái. "Nhưng đến khi trả tiền thì cái đầu còn nặng hơn lúc chưa gội, 30.000 đồng", chị nói. Trong khi thường ngày giá chỉ 7.000-15.000 đồng. Theo chị những ngày này tốt nhất là nên đóng cửa ngồi nhà. Ra ngoài, động vào cái gì cũng như động phải "vàng". Hàng hóa dịch vụ thi nhau tăng giá. Đầu năm nhiều người muốn ra hàng quán ăn uống để thay đổi không khí sau mấy ngày Tết cơm nhà cũng ái ngại vì cảnh đội giá này.
Chuyện hàng ăn, dịch vụ "chặt chém" thoải mái đầu năm gần như đã thành thông lệ, khiến nhiều người bực mình. Theo họ, mất nhiều tiền không phải là nguyên nhân chính, mà cái chính là cảm giác bị bắt chẹt, đầu năm đã gặp vận đen. "Tôi không thể hiểu nổi lối làm ăn này. Làm ăn kiểu chộp giật, thời vụ thế này thì không thể nào phát triển được", anh Huy nói.
Nhưng theo lý lẽ của nhiều chủ hàng, sở dĩ họ lấy giá cao vì tính thêm công phục vụ. Mở hàng vào thời điểm đầu Tết, cận Tết, những thời điểm đặc biệt thì phải được trả công cao hơn ngày thường là lẽ đương nhiên. "Con tôi làm ca đêm được tính lương cao hơn ban ngày. Tết nhất này, chúng tôi mở hàng thì phải có giá cao là đương nhiên", một chủ cửa hàng ăn uống nói.
Một lý do nữa các chủ cửa hàng ăn uống đưa ra là giá cả các loại rau quả, thực phẩm đồng loạt tăng cao từ những ngày cận Tết đến giờ. Có nhiều mặt hàng so với thời điểm trước Tết, giá còn tăng gấp rưỡi đến gấp đôi.
Kiên Thành