Việc bình ổn giá từ nay đến cuối năm là rất khó thực hiện. Dịp Tết sắp đến, hàng hóa có thể không thiếu nhưng giá cả chắc chắn sẽ cao và không loại trừ một số mặt hàng tiếp tục tăng giá.
Đây là nhận định chung của nhiều DN tại cuộc họp ngày 15/11 tại Bộ Công thương với các hiệp hội và một số tổng công ty về bình ổn giá cuối năm.
Mặt hàng thực phẩm liên tiếp tăng giá từ đầu năm đến nay đã khiến đời sống người dân rất khó khăn. Nhà nước đã có nhiều biện pháp nhưng sức nóng từ mặt hàng này không hề giảm.
Trong khi đó, liên tiếp có những yếu tố bất lợi về giá lương thực, thực phẩm đang diễn ra. Vì vậy, việc yêu cầu bình ổn giá từ nay đến cuối năm đối với mặt hàng này là khó khăn.
Ông Hoàng Thọ Xuân, Vụ trưởng Vụ Chính sách thị trường trong nước - Bộ Công thương cho biết, để chuẩn bị nguồn hàng cho Tết nguyên đán, các bộ, ngành đã rà soát.
Chắc chắn sẽ không có tình trạng thiếu thịt gia súc, gia cầm tuy nhiên sẽ phải chấp nhận với việc giá sẽ cao hơn những năm trước.
Ông Lê Bá Lịch, Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi, cho rằng ổn định giá thực phẩm từ nay đến Tết rất khó, nhất là thịt và trứng bởi dịch bệnh, thiên tai đang liên tiếp xảy ra. Giá lợn hơi hiện đã lên tới 25.000 - 28.000 đồng/kg, cao nhất từ trước đến nay”, doanh nghiệp này bày tỏ.
Trong khi đó, ngành chăn nuôi trong nước đang chịu sức ép lớn từ việc giá thức ăn gia súc tăng mạnh. Chính phủ yêu cầu phải bình ổn giá thức ăn gia súc, giảm thuế nguồn nguyên liệu nhưng thực tế, không thể bình ổn vì hầu như toàn bộ nguyên liệu đều nhập khẩu như ngô, đỗ tương đang tăng giá rất mạnh. Tổng giá trị nhập chiếm xấp xỉ 50% trong giá thành thức ăn chăn nuôi mà các sản phẩm nhập khẩu này lại tăng giá quá mạnh.
Để người chăn nuôi chủ động với nguồn nguyên liệu, ông Lịch đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nên có quy hoạch đầu tư cho vùng nguyên liệu. Thực tế, chúng ta xuất khẩu được một tỷ USD gạo thì cũng phải nhập khẩu gần một tỷ USD bột ngô, đỗ tương… phục vụ sản xuất thức ăn chăn nuôi.
Các DN cho rằng, Nhà nước cần có sự hỗ trợ phát triển nguồn nguyên liệu thức ăn cho gia súc, sớm xây dựng một chương trình dự trữ quốc gia về nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, chứ không nên để giá lên xuống thất thường. Đây là bài toán khó, Nhà nước nên can thiệp vào cơ chế chính sách chứ không nên can thiệp vào giá.
Trong khi đó, các nhóm hàng thiết yếu cho sản xuất nông nghiệp và tiêu dùng như phân bón và xăng dầu ngoài vấn đề giá cả thì việc tìm nguồn hàng và vốn nhập khẩu đang là vấn đề khó.
Đại diện các DN kinh doanh phân bón nhập khẩu cho biết, giá phân bón thế giới tăng mạnh. Giá phân bón trong nước cũng tăng 15-30%, riêng đạm Phú Mỹ tăng 10%. Một số mặt hàng chiến lược, Chính phủ quản lý như giá điện, than, xăng dầu… còn kiềm chế được còn những mặt hàng đã thả nổi thì rất khó.
Ở đây có một cái khó cho DN là Chính phủ lại yêu cầu bình ổn giá, trong khi DN thì phải kinh doanh có lãi, ai cũng hiểu ngoài xăng dầu, không dễ để một mặt hàng nào đó có được cơ chế hỗ trợ vốn hay bù lỗ.
Vì thế, doanh nghiệp không dám nhập khẩu cũng là tâm lý có thật. Ông Bùi Ngọc Bảo, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Xăng dầu Việt Nam, hy vọng Nhà nước có lộ trình tiếp cận giá thị trường một cách rõ ràng khi chưa có khả năng bù lỗ tiếp giá dầu.
Theo VNN