Sức tiêu thụ dịp Tết Kỷ Sửu sẽ không giảm so với năm trước như nhiều dự đoán. Ngược lại, sức tiêu thụ hàng hóa dịp Tết sẽ tăng 20-30% so với ngày thường. Bộ Công Thương nhận định.
Theo Bộ Công Thương, công tác chuẩn bị hàng hóa của các doanh nghiệp cũng đã “hòm hòm”, chu đáo. Không chỉ tự thân doanh nghiệp mà ở một số thành phố, các doanh nghiệp lớn đều được vay ưu đãi, tạm ứng kinh phí để dự trữ hàng hóa thiết yếu, phục vụ nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng.
Hiện các doanh nghiệp ở Hà Nội được tạm ứng 160 tỷ đồng để dự trữ 6 mặt hàng (gạo, thịt, thủy hải sản đông lạnh, dầu ăn…); TP.HCM ứng 409 tỷ đồng cho các doanh nghiệp vay ưu đãi để dự trữ 7 mặt hàng thiết yếu. Riêng tại Cần Thơ, các doanh nghiệp và siêu thị đã chuẩn bị một khối lượng hàng hóa lớn với tổng giá trị khoảng 814 tỷ đồng…
Đối với mặt hàng rượu, bia, nước giải khát, Tết này sẽ có gần 180 triệu lít rượu, bia đã được 2 Tổng Công ty Cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Hà Nội và Sài Gòn tung ra thị trường; Tổng Công ty Lương thực miền Bắc đã có kế hoạch dự trữ và đưa ra thị trường 145.000 tấn gạo và 34.000 tấn bột mỳ chất lượng cao…
Trong báo cáo về công tác chuẩn bị Tết vừa gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương nhận định tuy tình hình kinh tế gặp nhiều khó khăn nhưng sức tiêu thụ dịp Tết Kỷ Sửu sẽ không giảm so với năm trước như nhiều dự đoán. Ngược lại, sức tiêu thụ hàng hóa dịp Tết sẽ tăng 20-30% so với ngày thường.
Bộ Công Thương cũng cho biết, từ nay đến Tết, sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp kích cầu tiêu dùng hàng hóa sản xuất trong nước và thực hiện các biện pháp kiềm chế tăng giá trong dịp Tết.