Sau khi cùng người dân bản xứ đón Giáng sinh và Tết dương lịch, những người Việt xa xứ lại cùng gia đình sửa soạn đón Tết cổ truyền dân tộc. Tết vẫn là ngày lễ thiêng liêng nhất trong năm đối với người dân Việt ở Nga.
Khắp nơi trên đất nước Nga, nơi nào có người Việt sinh sống nơi đó có những khu chợ chuyên bán những sản phẩm quê hương phục vụ nhà nhà đón Tết.
Nỗi niềm người xa xứ
Nơi tuyết trắng này dù có “mâm cao, cỗ đầy” đến đâu cũng không thể làm cho những người Việt ở Nga vơi nỗi nhớ nhà. Có những thói quen tưởng đã tan biến vì bận rộn mưu sinh thì Tết đến, nó lại ùa về khiến ai cũng khao khát trở về đất mẹ được nhẹ bước trên vỉa hè phố cổ, dang tay đón từng hạt mưa xuân, và lặng yên ngắm một sắc đào phai.
Chỉ trong vòng nửa năm trở lại đây, cộng đồng người Việt sống ở Nga phải chịu hàng loạt “cú sốc” - liên tục các ốp (khu nhà) bán hàng và ốp ở phải đóng cửa. Có tin chợ Cherkizov sắp bị giải tỏa, đã làm cho cả cộng đồng rất đỗi bàng hoàng. Theo ước tính, trong số hàng vạn người Việt đang làm ăn, sinh sống tại Liên bang Nga thì 90% mưu sinh bằng việc chạy chợ và đánh hàng, nên mọi người đang sống trong lo âu, thấp thỏm. Tuy vậy, họ vẫn phải tiếp tục sống, làm việc và đón Tết cổ truyền với bao niềm hy vọng ngày mai sẽ tươi sáng hơn
Matxcơva sôi động ngày giáp Tết
Năm nào cũng vậy, cuối tháng 11 âm lịch, các chuyến bay Matxcơva - Hà Nội chật ních, thậm chí sốt vé máy bay. Song, không phải người Việt nào cũng đủ điều kiện về quê ăn Tết. Đa số họ vẫn đón Tết tại Nga. Những ngày áp Tết, các trung tâm thương mại đua nhau in lịch. Lịch in tại Nga trông cũng rất đẹp, tuy giá cả đắt hơn lịch in trong nước, nhưng đổi lại không mất cước vận chuyển.
Anh Thanh, chủ một xưởng in tâm sự: “Bà con vẫn thích lịch ở trong nước hơn nhưng cước vận chuyển cao từ 5-8 USD/kg nên chúng tôi đành phải in ngay tại Nga để tiện cả đôi đường”. Vào dịp cuối năm, bà con làm ăn ở chợ Vòm cũng như các ốp thường được nhận quà Tết. Túi quà gồm có lịch, bánh chưng, sâm banh, hộp mứt và một quyển tạp chí của quê nhà.
Xét theo tiêu chuẩn Tết truyền thống “thịt mỡ dưa hành, câu đối đỏ” thì ở Nga người Việt ăn Tết cũng chẳng thiếu thứ gì. Có thể dễ dàng mua bánh chưng gói sẵn, cầu kỳ hơn thì đặt tại các nhà hàng. Giá cả thay đổi tuỳ theo chất lượng bánh . Giá trung bình mỗi cặp bánh to khoảng 8 USD. Khởi đầu cho việc đưa những chiếc bánh chưng xanh đất Việt đến xứ tuyết, phải kể đến công ty Thành Trí. Sớm nhận ra nhu cầu ẩm thực, tâm linh sâu xa của người Việt, Thành Trí đã đưa sang Matxcơva lá dong, gạo nếp, dây lạt, đỗ xanh, để làm bánh chưng. Nhìn chung, bánh chưng được gói tại Nga, từ hình thức đến mùi vị khá giống với bánh chưng quê nhà. Chị Hương, một chủ tiệm bánh chưng tâm sự: “10 năm làm nghề gói bánh chưng kiếm sống, mỗi năm Tết đến, tôi làm không hết đơn đặt hàng. Có nhiều gia đình đặt hẳn 10 cặp, vừa ăn vừa biếu.
Đến tầng ngầm của Trung tâm Thương mại Xaliut 3 nằm trên đại lộ Ogrotny, hàng trăm quầy hàng khô được bày la liệt. Từ chai nước mắm nhãn hiệu Phan Thiết, cho đến củ tỏi, củ hành, rau húng, rau thơm chẳng thiếu thứ gì. Anh Thanh Sơn, chủ đại lý hàng khô ở đây cho biết: “Đa số giò chả được bày bán ở đây đều được gói tại Nga, loại đưa từ trong nước sang mang thương hiệu nổi tiếng như Hà Bắc, Ước Lễ tuy đẹp, lá xanh nhưng giá cao lắm (do bị tính cước), nên không có lãi. Loại giò chả gói từ thịt lợn nuôi ở ngoại ô Matxcơva chỉ được gói một lần lá chuối còn bọc ngoài là giấy nilon, không dùng hàn the giá cả lại “mềm”, chỉ 3 hay 4 USD/chiếc”
Thời nay, người Việt nơi xứ tuyết có vẻ sao nhãng với những cao lương, mỹ vị mà hướng tới những đồ ăn dân dã, quê mùa như mồng tơi, rau lang, mắm tép. Loại hàng này càng vào dịp Tết càng đắt như “tôm tươi”.
Những gia đình cầu kỳ hơn, trước Tết khoảng nửa tháng, họ đánh xe vào rừng chặt một cành bạch dương trụi lá về ngâm ủ trong phòng để khi Tết đến là vừa nẩy nụ. Sau đó họ chỉ cần mua hoa đào giấy về gắn vào là đã có một cành đào chơi Tết. Ngày 30 Tết, những cành đào kiểu như vậy cũng được bày bán khắp các ốp, các chợ. Thỉnh thoảng cũng có những “tay chơi sang” đưa đào từ Việt Nam sang để chơi Tết, giá mỗi cành đào Nhật Tân 200 - 300 USD.
Người Việt tại Nga gia đình nào cũng có bàn thờ gia tiên. Nhìn lên bàn thờ có mâm ngũ quả, bánh chưng, mứt Tết, hương trầm, rượu, kim ngân, thậm chí có gia đình còn treo cả câu đối, và một lọ hoa tươi, cứ hệt như đón Tết cổ truyền tại quê hương vậy.
Thời khắc giao thừa đáng nhớ
Tuy sống ở xứ người nhưng cộng đồng vẫn lấy múi giờ Việt Nam đón giao thừa (20h Nga). Vào giờ đó, mọi gia đình đều bày mâm, thắp hương cúng gia tiên. Mỗi ốp có khoảng 300 gia đình, với hàng ngàn con người cư ngụ. Phút giao thừa, ngoài hành lang lặng im phăng phắc.
Đôi vợ chồng Khánh và Dũng sang đây làm ăn, gửi lại quê nhà 2 đứa con nhỏ . Mỗi năm đến thời khắc giao thừa, họ không cầm nổi nước mắt vì nhớ con. Sáng mùng 1 sang chúc Tết bên nhà tôi họ vẫn rưng rưng xúc động: “Đã 8 năm rồi, chúng tôi không được đón Tết bên các cháu. Phút giao thừa các cháu lại thút thít chờ mong điện thoại từ phương xa bố mẹ gọi về. Bao giờ dành dụm được ít tiền, Tết chúng tôi sẽ về”.
Sau khoảnh khắc giao thừa vài phút, nhà tôi cũng như cả trăm nhà vội vàng nhấc điện thoại gọi về nước chúc Tết gia đình, người thân. Giao thừa xong, gia đình nào cũng đã chọn sẵn người xông đất hợp tuổi. Hái lộc đầu xuân cũng là nghi lễ mà cộng đồng không bao giờ bỏ qua. Những ốp có đông người Việt sinh sống, sau giao thừa, bà con tổ chức sinh hoạt văn nghệ “cây nhà lá vườn”, Ban quản trị ốp chúc Tết, lì xì cho trẻ em. Quy mô hơn là Chương trình Ca nhạc đón Xuân được tổ chức tại Cung Văn hoá Trường Đại học Giao thông, thu hút nhiều đơn vị tham gia.
Sáng mùng 1, cả nhà đưa nhau đi chúc Tết bạn bè, hàng xóm. Nhiều gia đình còn có bạn bè Nga đến chúc Tết. Tuy vậy, cũng có một số gia đình vẫn ra chợ bán hàng để “lấy ngày” đến tối mịt mới về. Năm nào cũng vậy, dư âm ngày Tết kéo dài cho tới tận rằm tháng Giêng.
Theo Tiền Phong