Cứ gần đến Tết là tôi lại lo vì nhiều người tin tưởng nhờ đi chọn rượu biếu. Nhớ câu chuyện đùa từ lâu rằng có chai rượu ngoại được người ta biếu nhau thế nào mà đi được một vòng nó lại quay về tay chủ cũ. Câu chuyện đùa khiến ta phải suy nghĩ, đời cứ như thể mắc nợ nhau lòng vòng mãi... Cụ Mai An Tiêm bảo “của biếu là của lo, của cho là của nợ”, vì cụ không chịu nhờ vả mọi người nên bây giờ ta mới có dưa hấu để ăn. Nhưng giá như cụ Mai sáng tạo chế ra rượu dưa hấu để con cháu sau này đem đi biếu nhau chai rượu dưa hấu ngày Tết có khi còn ý nghĩa, sang trọng và an tâm hơn mấy chai rượu ngoại chẳng biết thật giả thế nào bán đầy trên thị trường.
Nỗi khổ của “kẻ dưới”
Làm cấp dưới khổ đủ đường, cả năm đã phải giữ gìn ý tứ rồi đến Tết lại phải “ý tứ” hơn. Người ít tiền lo mua chai rượu vừa phải để biếu sếp cho nó đúng cái “lễ điểm danh” cuối năm. Thường họ chọn những chai đẹp mã, chẳng cần biết uống nó thế nào. Cốt là sếp thấy đẹp, giữ lại bày trong tủ kính qua mấy ngày tết là thành công rồi. Các sếp lo nhớ tên những người đến biếu xén đã là khó rồi chứ làm sao sếp nhớ được là ai biếu gì. Thế nên chọn chai nào càng “độc” càng tốt, độc đây là “độc đáo” chứ không phải rượu độc theo nghĩa đen đâu.
Nhưng cũng có rượu “độc” theo nghĩa đen đấy, đó là rượu rởm. Năm nào quản lý thị trường cũng bắt được cả vài chục vạn chai rượu rởm vào dịp cuối năm và năm nào cũng có người ê mặt vì mua phải rượu rởm đem biếu. Cũng may, các công ty sản xuất rượu, bán rượu đã ngày càng quan tâm hơn đến việc kiểm tra thị trường nên rượu rởm đã ít đi. Tuy nhiên, cũng chưa thể nói hay, bởi các nhà “sản xuất và chế biến” của chúng ta tinh vi khủng khiếp. Gặp nút gỗ ép như R.M thì xiên một phát kim tiêm vài chục phân vào chai rượu, rút 1/3 rượu ra, bơm rượu rẻ tiền vào. Khi uống dễ ai biết? Còn chai rượu có nút kim loại như J.W thì đơn giản hơn nhiều, cả năm thu gom nút nhôm của bartender (10.000-30.000đ/chiếc), cậy nhẹ bằng dùi nhọn thì vẫn còn “nguyên si”, đến cuối năm mới đem ra đậy vào rượu đã qua “chế biến”. Có trời mới biết! May ra chỉ có người uống biết chứ người biếu thì có được...ngửi rượu bao giờ.
Còn người nhiều tiền hơn quan niệm “tiền nào của nấy” cứ chọn những chai rượu đắt tiền cho chắc. Những chai dáng càng lạ thì càng bán chạy. Nhưng họ đâu hiểu quy luật “cung- cầu”: Rượu càng bán chạy lại càng dễ bị làm dởm! Suy cho cùng, lôi theo một người chỉ biết phân biệt vài ba cái nút chai như tôi theo để chọn mua rượu biếu cũng chỉ để giải quyết vấn đề tâm lý mà thôi.
Cái khó của “Người trên”
“Người trên” vừa vừa thì cũng lo lắng không kém gì “kẻ dưới”. Thậm chí còn lo nhiều hơn. Lo vì không biết năm nay được biếu cái gì? Có nhiều không để còn lo biếu tiếp. Biếu tiếp rất khổ vì không “quản lý được chất lượng”, mình có phải người đi mua đâu mà đổi ngang hàng? Thế nên mới có chuyện mang ba chai đổi lấy một chai ngoài chợ, cốt để có được một chai vừa ý đem biếu.
“Người trên” cao hơn cũng vẫn có “người trên” nữa, thế nên họ lại là một cấp trung gian lo “vận chuyển” rượu đi nơi khác. May mắn thì chai rượu cũng có được người uống. Đấy có thể là con cháu hay có khi là bố vợ “người trên”. Những người này thường thưởng thức rượu theo kiểu tiện gì uống nấy. Cốt cho say mấy ngày Tết. Đơn giản vì họ có nhiều rượu để uống quá. Chưa kịp ngửi mùi chai này đã uống hết chai khác. Nhưng cũng là may cho những chai rượu long đong “ba chìm bảy nổi” cũng đến được... người tiêu dùng.
Ai lợi ai hại?
Không nói thì ai cũng biết, nhà sản xuất, nhà phân phối và các cửa hàng bán rượu là có lợi nhất. Các nhà làm rượu rởm, tất nhiên khi chưa bị phát hiện thì cũng lợi quá rồi. Đôi khi người đi mua cũng hưởng lợi, đấy là khi các phu nhân của “bề trên” bán tống bán tháo ra các cửa hàng, gọi là đổi lấy chút tiền “mua củi cho nồi bánh chưng” thì tự nhiên rượu bị phá giá, khách mua nào may mắn thì mua được chai rượu rẻ.
Tết là dịp để các container rượu “chảy tràn” ra phố xá. Tuy nhiên, nếu chúng ta cứ mang rượu biếu đi biếu lại như thế này thì thiệt thòi cho những người kinh doanh rượu quá, mà chưa kể đến vô tình những người đi biếu rượu lại bắt ép cấp trên, cùng con cháu, họ hàng của họ phải uống thứ rượu mà họ không thích.
Biếu rượu cũng như tất cả các nghi lễ khác là một cử chỉ của sự quan tâm, ghi nhớ ân tình trong các mối quan hệ. Nhưng trước khi tặng chúng ta hãy nên tìm hiểu xem người nhận có sở thích gì? Đừng “bắt” họ phải nhận những thứ thuộc về hình thức, cuối cùng tạo ra sự “bắt ép” dây chuyền đầy lãng phí và thiếu ý nghĩa.