Khi khách khứa đông đủ, ông bố vợ mở chai rượu quý chàng rể biếu Tết mời mỗi người một ly. Ai cũng cố uống cạn rồi chun mũi, nhăn mặt. Thì ra, anh con rể mua phải chai rượu rởm, làm từ nước chè xanh có pha đường, đã thiu.
Từng phải lo Tết thủ trưởng, Tết thầy cô giáo của con, Tết thầy cô giáo cũ của mình... nhưng tất cả tôi không sợ bằng việc mua quà Tết bố vợ, bởi có quá nhiều “bài học cay đắng”.
Cách đây 15 năm, tôi còn là “con rể mới” của gia đình vợ, nên được các cụ quý lắm. Năm ấy, vợ chồng mang lễ về quê ngoại và trong thập cẩm các món có chai rượu chanh (ngày ấy nó được gọi là “rượu mùi”). Bố vợ tôi cảm động, tự tay ông xếp đồ lễ của con rể lên bàn thờ tổ tiên. Tôi thấy ông bày bao nhiêu chai rượu khác sang một bên, để chai rượu của vợ chồng tôi vào chính giữa bàn thờ như để “báo cáo” với các cụ tấm lòng của thằng cháu rể quý hoá.
Trong mấy ngày Tết, ông cụ không đụng đến chai rượu ấy, ông để dành nó đến mồng bốn Tết, ngày hoá vàng, mới mở để đãi khách. Khi khách khứa ngồi đông đủ, ông bắc ghế trèo lên bàn thờ lấy chai rượu mùi do tôi mang về, giơ cao khoe: “Thằng cháu rể ở Hà Nội nó biếu chai rượu để thắp hương tổ tiên. Hôm nay hoá vàng, tôi xin lộc các cụ, mở chai rượu này mời các bác, các chú, mỗi người thưởng thức một ly nhỏ gọi là lấy may đầu xuân”.
Sau màn nâng cốc chúc mừng, mọi người đều cố uống hết chén rượu. Nhưng ai cũng chun mũi, nhăn mặt. Có người còn để chiếc cốc đã cạn vào mũi, hít lấy hít để xem nó là thứ rượu gì mà có mùi lạ quá. Hoá ra tôi mua nhầm phải chai rượu rởm, được người ta làm bằng nước chè xanh có pha chút đường. “Rượu chè xanh” đã có mùi thiu, may mà không ai bị vào viện cấp cứu. Nhưng từ đó tôi không bao giờ dám mua biếu bố vợ “rượu mùi” nữa.
Mấy năm sau, vợ chồng tôi đã khá giả. Túi quà Tết mang về biếu bố vợ cũng “nặng ký” hơn. Vợ tôi chuẩn bị chè búp, miến, măng khô, mì chính, hạt dưa. Còn tôi bổ sung thêm nửa cân cà phê, vài hộp bánh ngoại có hộp bằng sắt Tây trông thật hoành tráng.
Chè búp là thứ tầm thường, ngày nào các cụ chẳng pha uống, nên món cà phê của tôi biếu trở thành đặc sản chốn quê nhà. Hôm có khách ở tỉnh về, bố vợ tôi mới tíu tít bắt thằng cháu ngoại lấy phin ra pha cà phê đón khách. Ông đổ nước sôi vào phin, đợi 15 phút không thấy giọt cà phê nào chảy xuống cốc, nhưng phin pha cà phê thì đầy ự lên. Hoá ra món cà phê tôi biếu cụ được người ta làm bằng bột ngô rang cháy, khi gặp nước sôi, bột ngô nở ra, trở thành món cháo đặc, bịt kín các lỗ nhỏ ở đáy phin, chẳng trách không có giọt nào xuống được. May mà khách vội về, ông cụ không kịp đãi, nên chỉ có gia đình biết chuyện này.
Đến hôm rằm tháng Giêng, bố vợ tôi mới cho phép các cháu mở hộp bánh “sắt tây” do tôi biếu ra chia cho cả nhà. Thằng cháu tôi phải lấy con dao chặt xương mới phá đuợc nắp chiếc hộp. Mỗi người được bố vợ tôi chia cho một chiếc bánh từ cái hộp quý giá ấy. Mẹ vợ tôi vừa cắn miếng bánh đầu tiên đã kêu “ối giời ơi”, rồi bỏ xuống. Bà chị gái vợ thì chê bánh nhạt. Cậu em rể bảo: “Không ngon bằng kẹo lạc quê mình”. Hoá ra cái hộp đó là hộp “Bis-cốt”, làm bằng bánh mỳ khô, thái lát, tẩm chút đường nhàn nhạt rồi sấy khô, ăn vừa rắn, vừa nhạt nhẽo. Vậy mà tôi đọc nhầm “Bis-cốt” thành “bích-quy”. Vậy mà mang tiếng là cán bộ ở Hà Nội, vẫn ghi trong lý lịch mục ngoại ngữ là "Tiếng Anh thành thạo" đấy.
Rút kinh nghiệm các món quà “ăn uống” thường bị làm rởm, năm ngoái tôi chuyển chiến thuật. Tôi mua biếu các cụ quần áo. Tôi bảo vợ: “Em cứ lo quà biếu mẹ, chị em gái và các cháu, còn quà biếu bố để anh lo. Vợ tôi cảm động rưng rưng.
Cả một buổi chiều tôi đi dạo mấy dãy phố mới mua được bộ complê giá cả phải chăng. Ông cụ trịnh trọng nhận bộ quần áo của tôi, hỏi giá cả. Tôi thật thà bảo: “Rẻ mà bố, chưa đến một triệu”. Cho đến hôm nay tôi cũng còn nhớ như in hình ảnh ông cụ “mắt chữ o, mồm chữ a” khi nghe tôi nói câu đó. Ông mở quần áo ra ngắm nghía, ra vẻ thích thú lắm. Rồi ông gói ghém cẩn thận, đưa cho mẹ vợ tôi, bảo: “Bộ quần áo này quý quá, tôi là nông dân, cả đời chẳng đi đâu, chẳng bao giờ mặc nó cả. Bà cất đi, khi nào tôi chết, niệm cho tôi nhé!”.
Về sau mẹ vợ tôi kể, thỉnh thoảng ông cụ mang bộ quần áo đó ra ngắm, rồi lại cất đi. Ông tâm sự với bà rằng: “Con cái nó tốt, nhưng giá nó may cho tôi vài bộ quần áo mới bằng vải bình thường, có thể đi làm, đi họp, đi ăn cưới hay ăn giỗ được thì tốt hơn”. Hoá ra cái điều mình tưởng là quý giá, nhưng với người khác nó chưa hẳn là có giá trị, nếu không phù hợp hoàn cảnh. Tôi lại có được một bài học nữa về “văn hoá ứng xử”, mặc dù tôi là một giảng viên bộ môn này ở trường đại học.
Năm nay, bàn đến chuyện mua quà Tết, tôi bàn với vợ: “Hay mình chỉ mua chút bánh kẹo về cho các cháu, còn thì cứ biếu ông bà tiền mặt, nói rằng nhờ ông bà sửa giúp cái lễ thắp hương tổ tiên cho tiện”. Rất may, vợ tôi ủng hộ liền. Cô ấy bảo: “Công nhận vợ chồng mình cùng chí hướng. Em cũng nghĩ đến điều này từ lâu, nhưng ngại nói, sợ anh chê rằng quá coi trọng đồng tiền!”. Tôi ôm vợ, nhấc bổng cô ấy lên, quay ba vòng và hô “vợ muôn năm!”.
Theo Đàn Ông