DỊCH VỤ CUNG CẤP QUÀ TẾT - GIAO HÀNG TẬN NƠI

Cung cấp tất cả các lọai thực phẩm, hàng tết, quà tết, giỏ quà tết, giỏ quà gói sẳn, bia, ruợu, nước giải khát... Vui lòng liên hệ Hotline để biết thêm chi tiết: 0979 77 83 77

Hằng năm, Tết là dịp để chúng ta bày tỏ tình cảm và lòng biết ơn của mình đến bạn bè, người thân, đối tác, hay nhân viên bằng những món quà thật ý nghĩa đã trở thành truyền thống của người Việt Nam. Tuy nhiên, công việc cuối năm luôn tất bật làm cho chúng ta không có thời gian để làm công việc thật ý nghĩa này.

Hiểu được điều đó, chúng tôi đã phát triển trang website www.quatet.vn cung cấp những giỏ quà Tết chất lượng phục vụ nhu cầu của quý khách hàng.

Bạn là doanh nhân muốn tặng quà cho đối tác hay nhân viên để tri ân những đóng góp của họ cho sự thành công của bạn. Hay bạn muốn tặng những món quà ý nghĩa cho người thân, bạn bè.

Hãy đến với www.quatet.vn

Chúng tôi chuyên cung cấp:

- Giỏ quà Tết gói sẵn.

- Rượu, bánh, kẹo, bia, nước ngọt,...

- Dịch vụ gói quà theo yêu cầu.

Mọi chi tiết xin liên hệ:

Trưng Bày và Bán Hàng tại Công ty TNHH Thương Mại Dịch Vụ Cậu Bé Vàng.

Địa chỉ: 158/7/39 Hoàng Hoa Thám, P12, Q. Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh. (Sơ Đồ)

Điện thoại: 08 6276 15 17

Hotline: 0979 77 83 77 - Ms Tâm

website: http://www.quatet.vn


CÙNG BẠN TƯNG BỪNG ĐÓN XUÂN!!!

Nở rộ mua bán quà Tết qua mạng

Cùng với các chợ và siêu thị, không khí mua sắm tại các siêu thị trên mạng cũng nhộn nhịp không kém và đã trở thành thói quen của một số người thường sử dụng Internet. Dịp này, tại các trang web mua bán trực tuyến luôn tràn ngập các mặt hàng Tết, phong phú từ chủng loại đến giá cả.

Trên trang web golmart.com.vn có hẳn mục "Phục vụ Tết" với rất nhiều chủng loại như "Thực phẩm truyền thống Tết" (bánh chưng, bánh tét, mứt...), "thực phẩm chế biến" (thực phẩm tươi, đông lạnh, đồ hộp...), hoa Tết... Nếu thích loại sản phẩm nào, khách hàng chỉ cần click chuột vào mục "đặt hàng" rồi sẽ được Cty chuyển tới trong thời gian sớm nhất.

Tham khảo tại hoichovietnam.com hay diễn đàn "Mua rẻ" (của trang web Trái tim Việt Nam), khách hàng như lạc vào một mê cung hàng hoá với vô vàn sản phẩm. Từ việc nhận đặt, gói bánh chưng, bánh tét đến việc bán những đặc sản địa phương như: Thịt trâu gác bếp Sơn La, giò chả Ước Lễ, rượu Shanlung, cây cảnh, bonsai...

Một trong những mặt hàng bán chạy nhất trong dịp này là những giỏ quà Tết. Trên trang
quatet-online.com, có hàng chục loại giỏ quà giá từ 150.000 - 600.000đ/giỏ. Nếu khách có nhu cầu, Cty sẽ chuyển miễn phí đến tay người đặt, nếu đơn hàng trên 1 triệu đồng, còn với đơn hàng nhỏ hơn 1 triệu đồng, khách hàng chỉ mất 20.000đ tiền vận chuyển.

Anh Hồ Tuấn Anh - GĐ Cty truyền thông ATECH, chủ trang web trên - cho biết: Mặt hàng giỏ quà Tết được người tiêu dùng đặc biệt quan tâm do giá thành hợp lý, kiểu dáng đẹp và các sản phẩm đều được Cty đảm bảo về chất lượng, nguồn xuất xứ. Hiện trung bình mỗi ngày, Cty nhận được trên 50 đơn đặt hàng và dự kiến đến những ngày sát Tết, số lượng người đặt sẽ cao lên.

Ngoài ra, năm nay cũng xuất hiện nhiều loại mặt hàng, lần đầu được bán trực tuyến. Hoa đào Nhật Tân đã có trang web hoadaonhattan.com của Cty CP thương mại và dịch vụ Nhật Tân bày bán nhiều cây đào thế đẹp, đặc sắc. Khách hàng ở HN đặt hàng qua mạng đều được vận chuyển miễn phí và được tặng quà đối với những đơn hàng từ 2 triệu đồng trở lên.

Hiện các siêu thị điện tử đều chấp nhận nhiều phương thức thanh toán, tạo nhiều thuận lợi, đơn giản hoá để thu hút nhiều khách hàng. Người tiêu dùng có thể chọn lựa nhiều cách thanh toán như: Chuyển tiền qua bưu điện, chuyển khoản qua thẻ ATM, thẻ tín dụng... Tuy nhiên, các siêu thị, cửa hàng trực tuyến chỉ thực hiện các đơn đặt hàng có trị giá từ 50.000đ trở lên.

Theo đánh giá của nhiều người, khi mua bán hàng Tết trực tuyến nên chọn các Cty lớn, có uy tín, sẽ tránh được rủi ro hay bị lừa đảo, bởi năm ngoái, một số người mua hàng qua mạng hay gặp phải trường hợp hàng nhận được không giống với hàng xem trên web, có chất lượng kém, thậm chí những mặt hàng thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ không rõ ràng, hết "đát"...

Theo Báo Lao Động

Bi hài chuyện quà Tết cho bố vợ

Khi khách khứa đông đủ, ông bố vợ mở chai rượu quý chàng rể biếu Tết mời mỗi người một ly. Ai cũng cố uống cạn rồi chun mũi, nhăn mặt. Thì ra, anh con rể mua phải chai rượu rởm, làm từ nước chè xanh có pha đường, đã thiu.

Từng phải lo Tết thủ trưởng, Tết thầy cô giáo của con, Tết thầy cô giáo cũ của mình... nhưng tất cả tôi không sợ bằng việc mua quà Tết bố vợ, bởi có quá nhiều “bài học cay đắng”.

Cách đây 15 năm, tôi còn là “con rể mới” của gia đình vợ, nên được các cụ quý lắm. Năm ấy, vợ chồng mang lễ về quê ngoại và trong thập cẩm các món có chai rượu chanh (ngày ấy nó được gọi là “rượu mùi”). Bố vợ tôi cảm động, tự tay ông xếp đồ lễ của con rể lên bàn thờ tổ tiên. Tôi thấy ông bày bao nhiêu chai rượu khác sang một bên, để chai rượu của vợ chồng tôi vào chính giữa bàn thờ như để “báo cáo” với các cụ tấm lòng của thằng cháu rể quý hoá.

Trong mấy ngày Tết, ông cụ không đụng đến chai rượu ấy, ông để dành nó đến mồng bốn Tết, ngày hoá vàng, mới mở để đãi khách. Khi khách khứa ngồi đông đủ, ông bắc ghế trèo lên bàn thờ lấy chai rượu mùi do tôi mang về, giơ cao khoe: “Thằng cháu rể ở Hà Nội nó biếu chai rượu để thắp hương tổ tiên. Hôm nay hoá vàng, tôi xin lộc các cụ, mở chai rượu này mời các bác, các chú, mỗi người thưởng thức một ly nhỏ gọi là lấy may đầu xuân”.

Sau màn nâng cốc chúc mừng, mọi người đều cố uống hết chén rượu. Nhưng ai cũng chun mũi, nhăn mặt. Có người còn để chiếc cốc đã cạn vào mũi, hít lấy hít để xem nó là thứ rượu gì mà có mùi lạ quá. Hoá ra tôi mua nhầm phải chai rượu rởm, được người ta làm bằng nước chè xanh có pha chút đường. “Rượu chè xanh” đã có mùi thiu, may mà không ai bị vào viện cấp cứu. Nhưng từ đó tôi không bao giờ dám mua biếu bố vợ “rượu mùi” nữa.

Mấy năm sau, vợ chồng tôi đã khá giả. Túi quà Tết mang về biếu bố vợ cũng “nặng ký” hơn. Vợ tôi chuẩn bị chè búp, miến, măng khô, mì chính, hạt dưa. Còn tôi bổ sung thêm nửa cân cà phê, vài hộp bánh ngoại có hộp bằng sắt Tây trông thật hoành tráng.

Chè búp là thứ tầm thường, ngày nào các cụ chẳng pha uống, nên món cà phê của tôi biếu trở thành đặc sản chốn quê nhà. Hôm có khách ở tỉnh về, bố vợ tôi mới tíu tít bắt thằng cháu ngoại lấy phin ra pha cà phê đón khách. Ông đổ nước sôi vào phin, đợi 15 phút không thấy giọt cà phê nào chảy xuống cốc, nhưng phin pha cà phê thì đầy ự lên. Hoá ra món cà phê tôi biếu cụ được người ta làm bằng bột ngô rang cháy, khi gặp nước sôi, bột ngô nở ra, trở thành món cháo đặc, bịt kín các lỗ nhỏ ở đáy phin, chẳng trách không có giọt nào xuống được. May mà khách vội về, ông cụ không kịp đãi, nên chỉ có gia đình biết chuyện này.

Đến hôm rằm tháng Giêng, bố vợ tôi mới cho phép các cháu mở hộp bánh “sắt tây” do tôi biếu ra chia cho cả nhà. Thằng cháu tôi phải lấy con dao chặt xương mới phá đuợc nắp chiếc hộp. Mỗi người được bố vợ tôi chia cho một chiếc bánh từ cái hộp quý giá ấy. Mẹ vợ tôi vừa cắn miếng bánh đầu tiên đã kêu “ối giời ơi”, rồi bỏ xuống. Bà chị gái vợ thì chê bánh nhạt. Cậu em rể bảo: “Không ngon bằng kẹo lạc quê mình”. Hoá ra cái hộp đó là hộp “Bis-cốt”, làm bằng bánh mỳ khô, thái lát, tẩm chút đường nhàn nhạt rồi sấy khô, ăn vừa rắn, vừa nhạt nhẽo. Vậy mà tôi đọc nhầm “Bis-cốt” thành “bích-quy”. Vậy mà mang tiếng là cán bộ ở Hà Nội, vẫn ghi trong lý lịch mục ngoại ngữ là "Tiếng Anh thành thạo" đấy.

Rút kinh nghiệm các món quà “ăn uống” thường bị làm rởm, năm ngoái tôi chuyển chiến thuật. Tôi mua biếu các cụ quần áo. Tôi bảo vợ: “Em cứ lo quà biếu mẹ, chị em gái và các cháu, còn quà biếu bố để anh lo. Vợ tôi cảm động rưng rưng.

Cả một buổi chiều tôi đi dạo mấy dãy phố mới mua được bộ complê giá cả phải chăng. Ông cụ trịnh trọng nhận bộ quần áo của tôi, hỏi giá cả. Tôi thật thà bảo: “Rẻ mà bố, chưa đến một triệu”. Cho đến hôm nay tôi cũng còn nhớ như in hình ảnh ông cụ “mắt chữ o, mồm chữ a” khi nghe tôi nói câu đó. Ông mở quần áo ra ngắm nghía, ra vẻ thích thú lắm. Rồi ông gói ghém cẩn thận, đưa cho mẹ vợ tôi, bảo: “Bộ quần áo này quý quá, tôi là nông dân, cả đời chẳng đi đâu, chẳng bao giờ mặc nó cả. Bà cất đi, khi nào tôi chết, niệm cho tôi nhé!”.

Về sau mẹ vợ tôi kể, thỉnh thoảng ông cụ mang bộ quần áo đó ra ngắm, rồi lại cất đi. Ông tâm sự với bà rằng: “Con cái nó tốt, nhưng giá nó may cho tôi vài bộ quần áo mới bằng vải bình thường, có thể đi làm, đi họp, đi ăn cưới hay ăn giỗ được thì tốt hơn”. Hoá ra cái điều mình tưởng là quý giá, nhưng với người khác nó chưa hẳn là có giá trị, nếu không phù hợp hoàn cảnh. Tôi lại có được một bài học nữa về “văn hoá ứng xử”, mặc dù tôi là một giảng viên bộ môn này ở trường đại học.

Năm nay, bàn đến chuyện mua quà Tết, tôi bàn với vợ: “Hay mình chỉ mua chút bánh kẹo về cho các cháu, còn thì cứ biếu ông bà tiền mặt, nói rằng nhờ ông bà sửa giúp cái lễ thắp hương tổ tiên cho tiện”. Rất may, vợ tôi ủng hộ liền. Cô ấy bảo: “Công nhận vợ chồng mình cùng chí hướng. Em cũng nghĩ đến điều này từ lâu, nhưng ngại nói, sợ anh chê rằng quá coi trọng đồng tiền!”. Tôi ôm vợ, nhấc bổng cô ấy lên, quay ba vòng và hô “vợ muôn năm!”.

Theo Đàn Ông

Chọn quà tết ý nghĩa


Tết là dịp người ta dành tặng nhau những món quà giàu ý nghĩa. Nhưng bạn cũng chớ tùy tiện tặng mèo, mực hay dao nĩa... kẻo người nhận lại nghĩ họ đang bị "trù ẻo".

1. Áo mới: Với người già, tấm khăn nhung, mảnh vải đẹp là món quà ý nghĩa. Các cụ ngày xưa tiết kiệm cả năm, mỗi dịp lễ lạt mới dám mang áo mới ra mặc. Qua món quà này, con cháu muốn cầu chúc ông bà luôn mạnh khỏe.

2. Gà trống: Tượng trưng cho những đức tính cao đẹp như vũ (oai phong, lẫm liệt), nhân (khi kiếm được thức ăn luôn gọi bầy), tín (ngày nào cũng gáy đúng giờ). Khi tặng gà trống, người con muốn thể hiện sự kính trọng và khẳng định cha mẹ luôn là chỗ dựa vững chắc cho mình. Nhiều anh con rể, qua món quà này cũng muốn thể hiện mình là một người đứng đắn, anh chồng tốt, xứng đáng để con gái các cụ trao thân, gửi phận.

3. Cành đào: Mọi người thường biếu cành đào để chưng ngày Tết và trừ ma quỷ. Chuyện kể rằng, cây đào là nơi trú ngụ của hai vị thần cai quản lũ quỷ. Khi ma quỷ đến phá phách nhà cửa, người dân chỉ cần chưng cành đào, chúng sẽ sợ mất vía và dạt ra xa.

4. Gạo mới: Tùy từng nơi, người dân quê thường đem dăm cân nếp hoặc gạo tám thơm mới gặt để bố mẹ thổi xôi, nấu cơm cúng năm mới. Con cái dâng những món quà này với mong muốn đền đáp công ơn của bậc sinh thành, để bố mẹ no đủ cả năm.

5. Bầu rượu: Người xưa hay đựng rượu trong quả bầu, sau này là bầu rượu bằng gốm. Người ta tặng nhau những bầu rượu ngon nhất, quý nhất bởi theo họ, đó chính là nơi chứa đựng tinh túy của trời đất. Bầu rượu sẽ đem đến sự sung túc, phồn vinh cho cả nhà trong năm mới. Ngày nay, bầu rượu đã được thay thế bằng chai rượu hiện đại, nhưng ý nghĩa vẫn không có gì thay đổi.

6. Bánh chưng: Hàng xóm láng giềng thân tình thường chọn vài cặp bánh chưng đẹp mang biếu nhau trước Tết. Bánh chưng biểu tượng cho đất, dùng để cúng tổ tiên, trời đất với hy vọng một năm mới đủ đầy.

7. Các món đồ có màu đỏ: Các món quà ngày xuân thường có màu sắc vui tươi. Không phải ngẫu nhiên màu đỏ được ưa chuộng trong dịp này. Đó là màu của bao lì xì, của mảnh hồng điều viết chữ phúc, chữ tâm... Đỏ còn là màu trang phục của các cụ thượng thọ ngày xưa. Sắc đỏ tượng trưng cho điều vui, may mắn, sự hanh thông.

Quả dưa hấu xanh vỏ đỏ lòng thể hiện sự chân thành của người biếu, mong muốn gửi điều may mắn nhất cho nhau. Đó là lý do mọi người sẵn sàng trả nhiều tiền để chọn cặp dưa đỏ nhất, ngọt nhất.

8. Tranh: Trong dịp Tết, người ta cũng thường tặng nhau tranh dân gian. Bức tranh Đông Hồ có cảnh đàn gà con quây quần quanh mẹ là lời chúc bình an vô sự, con đàn cháu đống của người tặng. Bức tranh có đàn lợn béo thay lời chúc cuộc sống sung túc, đầy đủ cả năm. Bức "Vinh hoa" rất hợp tặng cho vợ chồng mới cưới, chúc họ sớm có con.

9. Dầu: Ở Nam bộ, người dân quê có khi tặng nhau chai dầu ăn thay lời chúc phát tài (dầu = giàu).

10. Chó: Có người còn tặng nhau những chú cún con xinh xắn, bởi họ cho rằng, chó thường mang đến điều may. Tiếng sủa "gâu gâu" của chó nghe như chữ "giàu". Qua món quà này, người ta còn mong muốn sự hợp tác lâu dài, làm ăn suôn sẻ.

Không nên tặng:

Theo tâm lý chung, người ta thường biếu nhau những món quà đẹp nhất, ý nghĩa nhất. Tất cả những gì xuất phát từ thành ý đều có thể biến thành quà tặng. Tuy nhiên, hãy cẩn thận với một số vật tượng trưng cho điều không may. Nhiều người kiêng tặng đồ có màu đen hoặc màu trắng.

1. Đồng hồ: Đồng hồ tượng trưng cho thời gian nên khi nhận được món quà này, một số người sẽ nghĩ rằng thời gian của họ sắp hết. Theo tiếng Hoa, "đồng hồ" đọc là "zhong", làm người ta liên tưởng đến cái chết, sự kết thúc.

2. Mèo: Đừng nên tặng mèo, dù chú mèo đó xinh xắn, dễ thương đi chăng nữa. Tiếng kêu của mèo dễ làm người ta liên tưởng đến chữ "nghèo", điều xui xẻo.

3. Thuốc men: Nếu bạn tặng thuốc, người mê tín sẽ nghĩ ngay đến đau ốm, bệnh tật. Đầu năm bị ốm thì cả năm sẽ không suôn sẻ.

4. Con mực: Đi chơi biển về, nhiều người hay gửi tặng bạn bè, người thân vài con khô mực để làm quà. Tuy nhiên, đừng nên tặng món ăn này vào dịp Tết vì nhiều người quan niệm, nhận mực sẽ bị đen đủi cả năm. Tương tự như vậy, nếu bạn tặng lọ mực, người ta sẽ nghĩ rằng bạn đang "trù ẻo" họ.

5. Dao, kéo: Người ta có thể tặng nhau bộ dao, nĩa sang trọng, nhưng vào ngày Tết, món quà này lại có thể mang đến điềm xui. Người xưa quan niệm dao kéo sẽ đem đến sự xung khắc.

Cho và nhận ngày xưa là một hành vi văn hóa, vậy nên cần "có văn hóa tặng quà" và "văn hóa nhận quà". Người Việt Nam có tục cẩn thận trong mọi hành động, ứng xử vào ngày Tết để mang lại sự tốt lành, tránh bị "giông" suốt cả năm.

Theo thời gian, mức sống ngày càng cao hơn, nhiều loại bánh trái, quà cáp hiện đại đang dần thay thế những món quà truyền thống. Tuy nhiên, dù chọn quà gì, bạn hãy luôn tặng bằng tấm chân tình, không vụ lợi.

Quà Tết: Biếu nhau chai rượu ngày Tết

Cứ gần đến Tết là tôi lại lo vì nhiều người tin tưởng nhờ đi chọn rượu biếu. Nhớ câu chuyện đùa từ lâu rằng có chai rượu ngoại được người ta biếu nhau thế nào mà đi được một vòng nó lại quay về tay chủ cũ. Câu chuyện đùa khiến ta phải suy nghĩ, đời cứ như thể mắc nợ nhau lòng vòng mãi... Cụ Mai An Tiêm bảo “của biếu là của lo, của cho là của nợ”, vì cụ không chịu nhờ vả mọi người nên bây giờ ta mới có dưa hấu để ăn. Nhưng giá như cụ Mai sáng tạo chế ra rượu dưa hấu để con cháu sau này đem đi biếu nhau chai rượu dưa hấu ngày Tết có khi còn ý nghĩa, sang trọng và an tâm hơn mấy chai rượu ngoại chẳng biết thật giả thế nào bán đầy trên thị trường.

Nỗi khổ của “kẻ dưới”

Làm cấp dưới khổ đủ đường, cả năm đã phải giữ gìn ý tứ rồi đến Tết lại phải “ý tứ” hơn. Người ít tiền lo mua chai rượu vừa phải để biếu sếp cho nó đúng cái “lễ điểm danh” cuối năm. Thường họ chọn những chai đẹp mã, chẳng cần biết uống nó thế nào. Cốt là sếp thấy đẹp, giữ lại bày trong tủ kính qua mấy ngày tết là thành công rồi. Các sếp lo nhớ tên những người đến biếu xén đã là khó rồi chứ làm sao sếp nhớ được là ai biếu gì. Thế nên chọn chai nào càng “độc” càng tốt, độc đây là “độc đáo” chứ không phải rượu độc theo nghĩa đen đâu.

Nhưng cũng có rượu “độc” theo nghĩa đen đấy, đó là rượu rởm. Năm nào quản lý thị trường cũng bắt được cả vài chục vạn chai rượu rởm vào dịp cuối năm và năm nào cũng có người ê mặt vì mua phải rượu rởm đem biếu. Cũng may, các công ty sản xuất rượu, bán rượu đã ngày càng quan tâm hơn đến việc kiểm tra thị trường nên rượu rởm đã ít đi. Tuy nhiên, cũng chưa thể nói hay, bởi các nhà “sản xuất và chế biến” của chúng ta tinh vi khủng khiếp. Gặp nút gỗ ép như R.M thì xiên một phát kim tiêm vài chục phân vào chai rượu, rút 1/3 rượu ra, bơm rượu rẻ tiền vào. Khi uống dễ ai biết? Còn chai rượu có nút kim loại như J.W thì đơn giản hơn nhiều, cả năm thu gom nút nhôm của bartender (10.000-30.000đ/chiếc), cậy nhẹ bằng dùi nhọn thì vẫn còn “nguyên si”, đến cuối năm mới đem ra đậy vào rượu đã qua “chế biến”. Có trời mới biết! May ra chỉ có người uống biết chứ người biếu thì có được...ngửi rượu bao giờ.

Còn người nhiều tiền hơn quan niệm “tiền nào của nấy” cứ chọn những chai rượu đắt tiền cho chắc. Những chai dáng càng lạ thì càng bán chạy. Nhưng họ đâu hiểu quy luật “cung- cầu”: Rượu càng bán chạy lại càng dễ bị làm dởm! Suy cho cùng, lôi theo một người chỉ biết phân biệt vài ba cái nút chai như tôi theo để chọn mua rượu biếu cũng chỉ để giải quyết vấn đề tâm lý mà thôi.

Cái khó của “Người trên”

“Người trên” vừa vừa thì cũng lo lắng không kém gì “kẻ dưới”. Thậm chí còn lo nhiều hơn. Lo vì không biết năm nay được biếu cái gì? Có nhiều không để còn lo biếu tiếp. Biếu tiếp rất khổ vì không “quản lý được chất lượng”, mình có phải người đi mua đâu mà đổi ngang hàng? Thế nên mới có chuyện mang ba chai đổi lấy một chai ngoài chợ, cốt để có được một chai vừa ý đem biếu.

“Người trên” cao hơn cũng vẫn có “người trên” nữa, thế nên họ lại là một cấp trung gian lo “vận chuyển” rượu đi nơi khác. May mắn thì chai rượu cũng có được người uống. Đấy có thể là con cháu hay có khi là bố vợ “người trên”. Những người này thường thưởng thức rượu theo kiểu tiện gì uống nấy. Cốt cho say mấy ngày Tết. Đơn giản vì họ có nhiều rượu để uống quá. Chưa kịp ngửi mùi chai này đã uống hết chai khác. Nhưng cũng là may cho những chai rượu long đong “ba chìm bảy nổi” cũng đến được... người tiêu dùng.

Ai lợi ai hại?

Không nói thì ai cũng biết, nhà sản xuất, nhà phân phối và các cửa hàng bán rượu là có lợi nhất. Các nhà làm rượu rởm, tất nhiên khi chưa bị phát hiện thì cũng lợi quá rồi. Đôi khi người đi mua cũng hưởng lợi, đấy là khi các phu nhân của “bề trên” bán tống bán tháo ra các cửa hàng, gọi là đổi lấy chút tiền “mua củi cho nồi bánh chưng” thì tự nhiên rượu bị phá giá, khách mua nào may mắn thì mua được chai rượu rẻ.

Tết là dịp để các container rượu “chảy tràn” ra phố xá. Tuy nhiên, nếu chúng ta cứ mang rượu biếu đi biếu lại như thế này thì thiệt thòi cho những người kinh doanh rượu quá, mà chưa kể đến vô tình những người đi biếu rượu lại bắt ép cấp trên, cùng con cháu, họ hàng của họ phải uống thứ rượu mà họ không thích.

Biếu rượu cũng như tất cả các nghi lễ khác là một cử chỉ của sự quan tâm, ghi nhớ ân tình trong các mối quan hệ. Nhưng trước khi tặng chúng ta hãy nên tìm hiểu xem người nhận có sở thích gì? Đừng “bắt” họ phải nhận những thứ thuộc về hình thức, cuối cùng tạo ra sự “bắt ép” dây chuyền đầy lãng phí và thiếu ý nghĩa.