(Dân trí) - Nghe anh Phó bí thư Huyện đoàn Bến Cát, Bình Dương cho biết xã An Tây có hàng trăm công nhân mất việc, chúng tôi đã đến và tận mắt chứng kiến cảnh sống vật vờ chờ… qua Tết của anh em công nhân.
>> Bố làm công nhân, con nhịn sữa
>> Công nhân “về vườn”
>> Bố làm công nhân, con nhịn sữa
>> Công nhân “về vườn”
50% công nhân ở lại vì không có tiền về quê
Anh Bùi Đức Trung, Phó bí thư Huyện đoàn Bến Cát trăn trở: “Tại KCN Việt Hương, xã An Tây có công ty Việt Long vừa đóng cửa. Cả 300 công nhân đều thất nghiệp”. Ông Nguyễn Anh Dũng, Chủ tịch xã An Tây cho biết thêm: “Công ty Việt Khang cũng cho nghỉ việc gần nữa số công nhân (chừng 500 người)”. Theo ông Dũng, có đến 7.000 trong tổng số 8.000 dân của xã là công nhân ngoại tỉnh. Nay 1/7 số công nhân (gần 1.000 người) mất việc nên đời sống anh em cực kỳ khó khăn.
Ông kể: “Sáng nào tôi cũng đi vòng quanh khu công nhân sống để khảo sát, lại thấy một vài gia đình nheo nhóc mang đồ đạc lỉnh kỉnh về quê. Tôi thắc mắc sao mọi người về sớm vậy thì ai cũng than là mất việc, ở lại chỉ thêm tốn kém. Đó là những người may mắn còn tiền về quê, chứ nhiều anh em không có cả tiền về”.
Đến khu nhà trọ công nhân Minh Khương tại ấp Lồ Ồ, một đám đông thanh niên đang tập trung đánh bài. Hỏi ra mới biết là anh em mất việc không biết làm gì nên tụ tập đánh bài chơi, cho quên đi nỗi lo đau đáu về chữ “tiền”.
Ông Nguyễn Văn Đạo, Trưởng ấp Lồ Ồ, cho biết: “Mọi năm thì chỉ có chừng 5% – 10% số công nhân ở lại địa phương ăn tết. Năm nay, theo như chúng tôi thu thập tại 47 khu nhà trọ trên địa bàn ấp thì có đến 50% số công nhân ở lại”.
Cô công nhân trẻ Nguyễn Thị Hồng (21 tuổi), nguyên là công nhân công ty Việt Long, quê Quảng Bình, ngụ tại xóm trọ của ông Ký Lễ, vừa chìa ra bảng lương tháng cuối cùng vừa gạt nước mắt: “Tháng lãnh có hơn 200 ngàn đồng, không đủ mua cái vé xe nữa thì làm sao về quê”.
Bác Trần Văn Nghê (48 tuổi), công nhân lâu năm của công ty Việt Khang vừa bị sa thải cho hay: “Nhiều anh em vì xa nhà lâu quá, cha mẹ ở quê nhớ nên gửi tiền cho mà về quê chứ mấy tháng nay, anh em công nhân ở đây có ai lãnh tiền đủ ăn tiêu đâu mà về quê”.
Cố chờ qua Tết
Muốn về quê còn không có tiền để về, phải ở lại ăn Tết ở đất khách quê người thì đủ biết cái Tết “bất đắc dĩ” ấy kham khổ đến nhường nào. Bây giờ, Tết không còn là niềm vui, là sự chờ đợi của anh em công nhân, dù tuổi đời của họ còn rất trẻ, dù sau một năm lao động vất vả, đây là quãng thời gian họ được nghỉ nhiều ngày nhất, là cơ hội duy nhất để sum họp với gia đình. Cô công nhân Nguyễn Thị Hồng bùi ngùi: “Tết nhất gì anh ơi, không có việc làm thì mỗi ngày qua đi đều tốn kém thêm một khoản, nợ nần thêm chứ có vui vẻ gì”. Nhìn sang rổ thức ăn chuẩn bị cho cả phòng 4 người ăn trong một ngày mà không khỏi chạnh lòng: vài miếng đầu cá giá 10 ngàn đồng cộng với một rổ rau.
Còn anh công nhân Bùi Văn Lợi (27 tuổi) cũng vừa mất việc gãi đầu cười đắng: “Mấy tháng nay làm thì không có việc, đến khi mất việc thì cũng chẳng có trợ cấp. Em còn nợ bác Ký Lễ 4 tháng tiền nhà thì lấy đâu ra mà tết với nhất. May mà bác thương tình còn cho em ở lại, ăn uống thì anh em cố giúp đỡ nhau chờ qua Tết tìm việc khác”.
Bác Lê Văn Ký, chủ khu nhà trọ Ký Lễ, cho biết: “Đợt công ty Việt Long đóng cửa, đuổi cả 300 công nhân, nhiều đứa thiếu nợ chủ nhà dữ quá, trong khi lãnh tháng lương cuối chỉ được vài chục đến vài trăm ngàn, không dám về nhà trọ lấy đồ đạc, chỉ có bộ áo công nhân trên mình với chiếc xe bỏ trốn mất tiêu luôn”.
Bác Ký Lễ là một trong những chủ nhà trọ hiếm hoi cho công nhân thiếu tiền nhà trọ, anh em muốn đi thì bác cũng cho lấy đồ đạc đem theo, còn tiền thiếu khi nào làm có quay lại trả cho bác. Bác Ký chỉ có hơn 30 phòng trọ (thuộc loại trung bình ở xã An Tây), nhưng có đến hơn 20 người đang thiếu tiền trọ của bác, từ một tháng cho đến cả nửa năm.
Bác buồn buồn: “Tôi già rồi. Lấy thêm vài trăm ngàn của anh em lúc ngặt nghèo cũng có giàu thêm được đâu. Sống còn để đức cho con cho cháu …”.
Trong số 300 công nhân Việt Long mất việc từ ngày 1/1/2009, có khoảng 100 người là người địa phương thì còn đỡ khổ. Vài chục người bỏ trốn hay mượn tiền về quê, còn gần 200 công nhân lâm vào cảnh nợ nần và sống vật vờ chờ qua Tết.
Mấy chục anh em ở nhà trọ Ký Lễ còn may mắn vì có chủ nhà trọ tốt. Còn anh Nguyễn Viết Hùng, công nhân công ty Hương Quỳnh, ngụ tại phường Phú Lợi, Thủ Dầu Một thì đang lo sẽ bị đuổi khỏi nhà trọ vì không có tiền đóng. Đường về quê thì càng mờ mịt hơn. Anh cho biết: “Cuối năm rồi, đâu ai tuyển công nhân. Cố vay mượn bạn bè cho qua mấy ngày Tết, chờ sang năm tìm việc khác xem sao rồi tính tiếp”.
Tùng Nguyên - Đoàn Quý